Kháng kháng sinh (AMR) đang trở thành một thách thức toàn cầu vô cùng cấp bách, đe dọa trực tiếp đến hiệu quả của các phương pháp điều trị y tế hiện đại. Sự gia tăng của siêu vi khuẩn kháng thuốc, chủ yếu do sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách.
Trước đây, kháng sinh được xem như "vũ khí thần kỳ" cứu sống vô số người khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc sử dụng bừa bãi, lạm dụng kháng sinh trong y tế, chăn nuôi và thậm chí cả trong nông nghiệp đã dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn có khả năng chống lại thuốc. Hậu quả là nhiều loại thuốc kháng sinh hiện nay không còn tác dụng, khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn và tốn kém hơn, đồng thời gia tăng nguy cơ tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không ưu tiên hành động để giải quyết vấn đề AMR, số ca tử vong do siêu vi sẽ gia tăng nhanh chóng và không thể kiểm soát. Nhóm có nguy cơ cao nhất bao gồm trẻ sơ sinh, người già và những người mắc bệnh mãn tính hoặc cần phẫu thuật.
Hình ảnh siêu vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh: nobeastsofierce Science/Alamy |
Giáo sư Ramanan Laxminarayan, thuộc Đại học Princeton (Hoa Kỳ) nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề: "Số người tử vong do AMR đã vượt qua cả HIV, sốt rét và bệnh lao cộng lại." Ông nói thêm rằng, việc giải quyết AMR là vô cùng cấp thiết để đạt được các mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tăng tuổi thọ khỏe mạnh.
Nếu AMR tiếp tục gia tăng, những bệnh nhiễm trùng thông thường vốn dễ điều trị có thể trở nên nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Các thủ thuật y tế quan trọng như sinh mổ, điều trị ung thư và cấy ghép nội tạng cũng có thể trở nên quá rủi ro do nguy cơ nhiễm trùng cao.
Theo số liệu thống kê năm 2019, tình trạng kháng kháng sinh (AMR) do vi khuẩn đã gây ra khoảng 4,95 triệu ca tử vong trên toàn cầu, trong đó 1,27 triệu ca tử vong trực tiếp do tình trạng kháng thuốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đặc biệt quan ngại về ảnh hưởng nặng nề của AMR đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC).
Theo mô hình nghiên cứu, số ca tử vong do AMR ở LMIC có thể giảm 18%, tương đương cứu sống 750.000 người mỗi năm. Ước tính 247.800 ca tử vong có thể được ngăn ngừa bằng cách đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện. 337.000 người được cứu sống nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm hiệu quả trong môi trường y tế. Khoảng 181.500 trẻ em có thể được bảo vệ bằng cách tiêm chủng đầy đủ.