Theo thông tin từ Infonet, ngày 25/8/2020, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã cứu sống nam bệnh nhân 46 tuổi (Đoan Hùng – Phú Thọ) bị sốc phản vệ nguy kịch do kiến đốt.
Khoảng 8 giờ 40 sáng cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Toàn thân bệnh nhân nổi sần đỏ, thở rít, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, phù nề toàn bộ mặt, môi.
Người nhà bệnh nhân cho biết khi đang làm vườn bệnh nhân bị kiến xoan trên cây rơi vào người và bị đốt nhiều vùng gáy và ngực. Chỉ vài phút sau khi bị kiến đốt, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, tức ngực, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân rồi kích thích, vật vã, người nhà lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau lần tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ) đầu tiên bệnh nhân vẫn trong trạng thái khó thở, rít thanh quản, huyết áp tụt thấp. Bệnh nhân tiếp tục được tiêm Adrenaline lần hai. Khoảng 5 phút sau, bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, rít thanh quản giảm, còn mẩn đỏ ngứa toàn thân.
Đến chiều ngày 25/8/2020, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Nam bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: Infonet |
Trao đổi với VietNamNet, Bác sỹ Lê Văn Hợi, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ dị nguyên nào như thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, phấn hoa… khi tiếp xúc với cơ thể cũng đều có nguy cơ gây dị ứng, mức độ có thể từ nhẹ tới nguy kịch.
Sốc phản vệ được coi là tối cấp cứu, cần phải xử lý cấp cứu càng sớm càng tốt. Tác động của phản vệ lên cơ thể rất nhanh, gây phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn dẫn đến trụy tim mạch, suy hô hấp… và rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được, không đưa mạch được trở về bình thường, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn rồi tử vong.
Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như mẩn ngứa, ban đỏ, phù mi mắt, môi, đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau tức ngực, khó thở... đặc biệt các dấu hiệu này xuất hiện rầm rộ, sau dùng thuốc, ăn uống, tiếp xúc chạm, ngửi... người dân cần tới ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.