Hội thảo thu hút sự tham gia của các cấp chính quyền, đại biểu trung ương như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ ngoại giao văn hóa - Bộ Ngoại giao, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Lãnh đạo các Sở, Ban ngành tại Tỉnh Thái Bình; Sự đóng góp tri thức phong phú đa dạng từ đông đảo đội ngũ nhà khoa học trong và ngoài nước; Đặc biệt, hội thảo đón tiếp sự có mặt của các nghệ nhân, người thực hành Chèo từ các địa phương.
Nội dung bàn luận hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng từ góc độ sản văn hóa phi vật thể. Đây là mối quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền và ngành văn hóa và với sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản. Các nỗ lực tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức, thực hành di sản góp phần làm giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho thế hệ hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về 06 vấn đề bao gồm: Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO và Luật Di sản văn hóa; Lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và di sản văn hóa phi vật thể; Nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể; Sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn dân gian trong nước và quốc tế; Sự biến đổi và sức sống của nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại diễn ra vào ngày 23/11/2023 |
Nói về sức sống của Chèo trong đời sống đương đại, đại diện nhóm xây dựng hồ sơ GS.TS Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN, nhận định sự phát triển của nghệ thuật trình diễn Chèo, các CLB Chèo với đội ngũ đông đảo những người yêu Chèo tại các vùng quê Bắc Bộ minh chứng di sản truyền thống này vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa đương đại, không bị mai một.
Sự thích ứng của Chèo trong xã hội phản ánh sự phát triển năng động của nghệ thuật truyền thống. Nếu trước đây Chèo vốn được biểu diễn trong những Gánh Chèo, Phường Chèo, Chiếng Chèo thì ngày nay di sản đã được biểu diễn rộng rãi tại các sự kiện làng xã, thậm chí cả trong không gian đô thị.
Phân tích về giá trị âm nhạc, trình diễn của Chèo, PGS.TS Lê Văn Toàn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đánh giá hát Chèo là loại hình kịch hát dân tộc cổ truyền có từ lâu đời của người Việt vùng trung du, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
"Âm nhạc của Chèo nổi rõ chất trữ tình, trào phúng, đậm sắc màu làng quê Việt. Giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của sân khấu Chèo được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, quốc tế nghiên cứu, khẳng định. Trong đời sống hiện đại, Chèo có những biến đổi để phù hợp hơn với đời sống và thẩm mỹ của con người Việt Nam, đây là quy luật kế thừa và phát triển", PGS.TS Lê Văn Toàn phát biểu tại hội nghị.
Dù có nhiều giá trị nổi bật cũng như thể hiện sức sống bền bỉ trong cộng đồng nhưng từ góc nhìn quốc tế GS. Barley Norton, Đại học London (Anh) cho thấy đã và đang có nhiều tiếng nói khác nhau trong quá trình ghi danh, tạo lập di sản Chèo. Đó đôi khi là những tranh luận về sự hiện đại hóa Chèo, liệu có nên biến các di sản văn hóa phi vật thể thành tài sản văn hóa, khiến những hình thức biểu diễn trở thành những thách thức mới trong việc tước quyền, chiếm đoạt, ngoài lề hóa các chủ thể văn hóa.
Đóng góp cho ý kiến nói trên, từ góc nhìn của người trình diễn di sản Chèo, PGS.TS Hà Thị Hoa, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ điều quan trọng nhất trong việc bảo tồn di sản Chèo không chỉ nằm ở việc bảo tồn các kỹ thức hát, múa mà cần bảo tồn tính dân gian của loại hình nghệ thuật này, nếu không "chất Chèo" sẽ mất.
PGS.TS Hà Thị Hoa đề xuất cần đưa tính dân gian hóa, việc đào tạo dân gian hóa vào truyền dạy trong các trường biểu diễn chuyên nghiệp, đồng thời không nên tổ chức các cuộc thi bắt nhạc công Chèo đánh theo mẫu, đánh theo bài bản, bởi như thế sẽ "giết chết âm nhạc dân gian".
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia tán thành nhận thức việc ghi danh nghệ thuật Chèo vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình ghi danh Chèo đặt ra nhiều thách thức và rủi ro đối với việc bảo tồn các giá trị đặc trưng, đặc điểm của nghệ thuật Chèo. Những thách thức cũng đến từ việc sau quá trình ghi danh di sản có thể xảy ra hệ quả cố định hóa Chèo, dẫn đến khuôn mẫu hóa và làm thay đổi loại hình nghệ thuật này.
Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, giảng viên tại Khoa Các Khoa học liên ngành, ĐHQGH, di sản không chỉ là nguồn động lực để đoàn kết các cộng đồng mà đôi khi cũng tạo ra xung đột bởi nhiều quan điểm có thể rất khác nhau. Đặc biệt trong bối cảnh vai trò của cộng đồng ngày càng được nhận thức, đề cao, những thảo luận tại hội thảo đưa đến góc nhìn rằng các cộng đồng sẽ không hẳn chia sẻ đồng nhất mà có thể đưa ra những quyết định rất khác biệt bởi bối cảnh và mong muốn của họ khác nhau.
Có chung nhận định về lợi ích và thách thức của quá trình ghi danh, GS. Đinh Quang Trung nêu ra ba câu hỏi là căn bản cần giải quyết với trường hợp ghi danh di sản Chèo rằng cộng đồng cần bảo tồn điều gì, bảo tồn như thế nào và tất cả những hành động đó có thể dẫn đến hệ quả nào hay không?
Hội thảo khoa học quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại nằm trong khuôn khổ dự án hoàn thiện hồ sơ về Nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự kiện là một diễn đàn học thuật của các chuyên gia quốc tế và trong nước để cùng nhau làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành và công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, những tiêu chí ghi danh của Công ước 2003 và những vấn đề khoa học liên quan đến nghệ thuật Chèo từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.
Theo thông tin từ đội ngũ xây dựng hồ sơ, các ý kiến tại hội thảo sẽ được chọn lọc và tổng hợp để sử dụng trong quá trình ghi danh di sản. Dự kiến, hồ sơ di sản Chèo sẽ hoàn thành và được gửi tới UNESCO vào tháng 03/2024.