Chính phủ Nga cho biết nước này sẽ bắt đầu thực hiện các hạn chế nhập khẩu đối với thủy sản Nhật Bản từ đầu tuần này, gần hai tháng sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu thải nước thải phóng xạ đã qua xử lý và pha loãng ra đại dương.
Việc xả nước thải của Nhật Bản đã bị các hợp tác xã thủy sản cá và các nước láng giềng phản đối mạnh mẽ. Trung Quốc ngay lập tức cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản kể từ đầu tháng 8, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các quan chức cấp cao của họ đã thông báo cho đại sứ quán Nga ở Tokyo rằng Nhật Bản đã đưa ra những lời giải thích minh bạch và khoa học về sự an toàn của việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima và hải sản Nhật Bản.
Phía Nhật Bản gọi lệnh cấm của Nga là “bất công” và cho biết chúng đi ngược lại động thái toàn cầu hướng tới việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với thực phẩm Nhật Bản.
“Quyết định của phía Nga là vô cùng đáng tiếc và chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu họ rút lại quyết định", Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố.
Lần xả nước thải đầu tiên của nhà máy Fukushima bắt đầu vào ngày 24/8 và kết thúc vào ngày 11/9. Trong lần xả thải đó, công ty chủ quản TEPCO cho biết họ đã xả 7.800 tấn nước đã qua xử lý từ 10 bể chứa. Trong đợt xả thứ hai bắt đầu vào ngày 5/10, TEPCO có kế hoạch xả thêm 7.800 tấn nước đã qua xử lý vào Thái Bình Dương trong 17 ngày.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã xem xét tính an toàn của việc xả nước thải và kết luận rằng nếu thực hiện theo kế hoạch, việc xả thải sẽ có tác động không đáng kể đến môi trường, sinh vật biển và sức khỏe con người.
Một nhóm chuyên gia IAEA đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada sẽ tiến hành lấy mẫu nước biển và sinh vật biển tại và gần nhà máy trong tuần này.
Chính phủ Nhật Bản đã thành lập quỹ cứu trợ nhằm giúp tìm kiếm thị trường mới và giảm tác động từ lệnh cấm hải sản của Trung Quốc. Các biện pháp cũng bao gồm tạm thời thu mua, đông lạnh và bảo quản hải sản cũng như khuyến khích bán hải sản cho thị trường trong nước.
TEPCO và chính phủ Nhật Bản cho biết việc xả nước thải ra biển là không thể tránh khỏi vì các bể chứa sẽ hết sức chứa vào đầu năm tới và dự kiến hoạt động này sẽ kéo dài hàng thập kỷ.