Quan chức địa phương bày tỏ tiếc nuối khi phải đưa ra quyết định chặn toàn bộ những điểm ngắm cảnh quan Phú Sĩ nổi tiếng bằng một tấm màn đen dài 20 mét, được dựng lên vào ngày 21/5.
Nhiều tranh cãi đã nổ ra xoay quanh Fujikawaguchiko, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Yamanashi, nơi nắm giữ tầm nhìn đắc địa dưới chân núi Phú Sĩ, cũng như có khu vực gần điểm xuất phát của một trong những con đường mòn được sử dụng nhiều nhất để lên núi. Địa điểm này đã trở nên quá nổi tiếng, đến mức gây ra nhiều phiền toái cho người dân địa phương.
Tình trạng này nghiêm trọng tới nỗi ngay cả những ngành nghề không thuộc nhóm du lịch cũng phải vào cuộc. Một trong số đó là Phòng khám Nha khoa Ibishi, nằm ở tòa nhà cạnh địa điểm chụp ảnh, khi nhân viên và bệnh nhân tại đây thường xuyên phải đối mặt với sự quấy rối từ khách du lịch.
“Hàng loạt hành vi phạm pháp gây khó chịu như xả rác, xâm phạm khuôn viên, hút thuốc, ăn uống trong bãi đậu xe hoặc dưới mái nhà riêng, đột nhập lên sân thượng dẫn đến việc thường xuyên phải gọi cảnh sát đã xảy ra”, phòng khám cho biết trong một tuyên bố. “Không có gì lạ khi có người ném những lời lăng mạ về phía chúng tôi hoặc vứt điếu thuốc lá vẫn còn đang cháy mỗi khi chúng tôi yêu cầu họ di chuyển xe.”
Du khách thường chọn chụp ảnh núi Phú Sĩ từ xa. Ảnh: AFP |
Tuyên bố nói thêm rằng địa điểm chụp ảnh “thu hút một lượng người nước ngoài liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, và ngay cả người dân địa phương cũng không thể giao tiếp với du khách khi họ sử dụng tiếng Nhật để cảnh báo”.
Phòng khám Nha khoa Ibishi khẳng định họ là một trong những doanh nghiệp đã yêu cầu lãnh đạo Fujikawaguchiko giải quyết tình trạng này.
Kể từ khi Nhật Bản mở cửa chào đón khách nước ngoài sau đại dịch, nhiều người đã đổ xô đến các điểm tham quan nổi tiếng của đất nước này, với trung bình hơn 3 triệu du khách vào tháng 3 và tháng 4 năm 2024. Con số được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng vào mùa hè.
Trong khi tình trạng quá tải du lịch là một vấn nạn trên khắp thế giới, từ Paris đến Hawaii, câu chuyện của thị trấn Fujikawaguchiko lại đáng chú ý vì nhiều lý do. Trong trường hợp này, đây không phải là một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan, mà chỉ là một điểm ngắm cảnh nơi mọi người thường chụp ảnh núi Phú Sĩ. Phía trước của một cửa hàng tiện lợi được xem là vị trí lý tưởng để chụp ảnh, thậm chí có người còn đứng giữa đường để có được bức ảnh đẹp nhất.
Tuy nhiên, du khách lại thường không nghỉ qua đêm tại nơi đây, đồng nghĩa với việc các nguồn thu từ vé vào cửa, vé bảo tàng hoặc phí khách sạn để cân bằng thiệt hại do hàng nghìn du khách gây ra hoặc sự bào mòn, rác thải và các vấn đề giao thông khác mà họ mang tới. Kết quả là thị trấn với 10.000 dân này đã phải tự vật lộn để duy trì.
Haruhito Tsuchiya, một người dân địa phương 49 tuổi làm việc trong ngành du lịch, cho biết: “Tôi đã thấy những người đi bộ trên đường, cả những người lái xe máy điện mà không tuân thủ luật lệ giao thông và gặp tai nạn. Gần đây đã có nhiều vụ tai nạn liên quan đến khách du lịch nước ngoài”.