Trong số các đối tác của Nippon Paper Industries, đáng chú ý có công ty thương mại Sumitomo Corp. và Green Earth Institute - công ty đang sở hữu công nghệ lên men bằng vi sinh vật. Các công ty này dự định sẽ thành lập một liên doanh vào năm 2024 và đưa dự án này chính thức đi vào hoạt động vào năm 2027, với nguyên liệu chính là gỗ khai thác từ các khu rừng do Nippon Paper Industries quản lý. Họ đặt mục tiêu sản xuất hàng chục nghìn kilolít (kl) ethanol sinh học mỗi năm, đủ để sản xuất khoảng 10.000 kl nhiên liệu SAF, vào năm 2027.
Hiện nay, Nippon Paper Industries đang sở hữu gần 90.000 ha rừng ở Nhật Bản, chỉ đứng sau đối thủ lớn nhất là Oji Holdings. Công ty dự định sẽ tăng tính bền vững của nguồn cung bằng cách trồng các loại cây có thể phát triển nhanh hơn 50% và hấp thụ CO2 nhiều hơn 50% so với các loại cây thông thường tại các khu vực khai thác gỗ.
Cùng với Nippon Paper Industries, nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch tham gia vào thị trường SAF, trong đó Oji Holdings đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thương mại ethanol từ gỗ khai thác trong các khu rừng thuộc sở hữu của công ty này vào tài khóa 2030. Công ty dự định sẽ đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất thử nghiệm, với công suất 500 kl/năm, vào tài khóa 2024.
SAF có thể được sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, chất thải thực vật và các nguyên liệu khác. Loại nhiên liệu này được cho là thải ra lượng khí CO2 ít hơn từ 70% đến 90% so với nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đặt mục tiêu tăng tỷ trọng SAF trong tổng lượng nhiên liệu hàng không do các hãng hàng không nội địa tiêu thụ lên 10% vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản phải đảm bảo đủ 1,71 triệu kl SAF mỗi năm.