Ngày 4/7, buổi tọa đàm về cuốn hồi ký Nhất Linh, cha tôi diễn ra tại Quận 3, TP.HCM. Đông nghịt độc giả gồm các nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên, học sinh... đã đến trao đổi cùng nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.
Nhất Linh là "văn nhân của văn nhân"
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói ông rất yêu cố nhà văn Nhất Linh. Dù cách biệt nhiều tuổi, khi Nhất Linh bắt đầu nổi tiếng ông chỉ mới chào đời. Dù vậy, 10 tuổi, ông "gặp" Nhất Linh bằng cách ngấu nghiến từng cuốn sách của nhà văn. Không chỉ nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, hầu hết những đứa trẻ sinh ra trong thời đó đều lớn lên trong không khí văn học của Tự lực văn đoàn. Học xong, tốt nghiệp, Nhật Chiêu đi dạy cũng là dạy các tác phẩm của nhóm văn nổi tiếng này.
"Tôi gần như yêu Nhất Linh nhất trong các nhà văn Việt Nam, không phải vì hôm nay đến tọa đàm này mà nói như vậy. Nhất Linh là văn nhân của văn nhân. Ông rất giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp. Ông viết tên mình Nhất Linh theo Hán tự nghĩa là "linh thiêng nhất", cho thấy ông rất hiểu phẩm giá của mình", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói.
Nhà nghiên cứu cũng ngậm ngùi nhắc lại sự ra đi của Nhất Linh hôm 7/7/1963, tạo thành "cơn chấn động" thời kỳ đó. Đám tang cố nhà văn là 1 trong 3 đám tang lớn nhất Sài Gòn đương thời. Lúc đó, Nhật Chiêu vẫn còn là một cậu bé niên thiếu, bố mẹ không cho ông đi dự đám tang vì lo ngại tình hình phức tạp.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu kể, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đến viếng Nhất Linh đã dùng bàn tay gầy gò gõ 3 cái vào quan tài, đọc nên câu đối bất hủ: Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt / Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu.
Chân dung cố nhà văn Nhất Linh. |
Hai câu này, chỉ 4 chữ "chứ sao" và "đâu chỉ” là của Vũ Hoàng Chương, còn lại là ghép tên các tác phẩm của Nhất Linh là tác giả hoặc đồng tác giả mà thành.
Nhất Linh không chỉ là nhà văn mà còn là nhà chính trị, học giả, họa sĩ và là người rất hiểu về hoa, đặc biệt là chiều sâu trong cái nhìn của ông về loài lan thanh ngọc. Cố nhà văn từng xây một căn nhà ở giữa rừng Fim Nôm vào những năm cuối đời, đặt tên là Thanh Ngọc Đình. Dù vậy, căn nhà chưa kịp hoàn thành đã bị giật sập sau một đêm giông gió năm 1959. Trong cuốn Giòng sông Thanh Thủy, Nhất Linh đã vẽ tranh lan thanh ngọc trang đầu với 2 câu thơ: Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng / Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cũng bày tỏ nỗi buồn vì hiện tại không nhiều người trẻ còn nhớ Nhất Linh cũng như sự nghiệp văn chương lẫy lừng của cố nhà văn.
Nguyễn Tường Thiết không phải "Nhất Linh con"
Nói về cuốn Nhất Linh, cha tôi, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu khẳng định đây không chỉ là cuốn hồi ký thuần túy của một người con viết về cha vì Nguyễn Tường Thiết là nhà văn nên bút pháp sống động vô cùng. Phần lớn nội dung trong cuốn sách đều là thông tin không mới với Nhật Chiêu nhưng ông vẫn bị xúc động.
Ông nói, sự kết hợp giữa bút pháp của nhà văn và tư cách con trai viết về cha khiến cuốn sách hấp dẫn từ đầu đến cuối: "Ít có cuốn sách nào được một nhà văn viết về bố ruột cũng là nhà văn nổi tiếng. Có những câu chuyện, như Nhất Linh chuẩn bị cho cái chết của mình, từ việc ngồi ghế gì, tư thế nào, đọc cuốn sách gì..., nếu chỉ đọc thông tin trên báo sẽ không bao giờ hay như vậy".
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cũng nói rằng, Nguyễn Tường Thiết cũng rất hay ở chỗ thoát ly khỏi văn phong của Tự lực văn đoàn. "Ông Tường Thiết là con của Nhất Linh nhưng văn của ông không phải là một "Nhất Linh con" hay "Tự lực văn đoàn nối dài". Văn trong cuốn hồi ký này rất hiện đại. Nếu Nhất Linh say sưa đi tìm cái đẹp thì Tường Thiết kể về những chuyến đi, chăm chú vào những chi tiết của thế giới hiện đại.
Cuốn này cũng không phải thể loại hồi ký nguyên thủy kiểu Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Tường Thiết viết nó như truyện ngắn với cách tổ chức thời gian xô lệch, song hành nên cuốn sách có tính hư ảo. Tác giả cũng thẳng thắn nói không thích nhiều tác phẩm của bố mình. Ông nhìn nhận mọi thứ rất khách quan, không tung hô dù bố Nhất Linh của ông là nhân vật có tầm cỡ. Đó là ý thức phản tỉnh của hiện đại", nhà nghiên cứu bình luận.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trong tọa đàm. |
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu góp ý rằng Nguyễn Tường Thiết nên triết giải nhiều hơn trong cuốn Nhất Linh, cha tôi. Chẳng hạn, những câu đối tiếng Hán của Vũ Hoàng Chương về Nhất Linh, nếu không triết giải sẽ chẳng ai hiểu gì.
Kết buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói, từ năm 1975 đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực cho ra đời các công trình có liên quan đến Nhất Linh như 3 tập Tự lực văn đoàn mà Nhất Linh "chiếm" hơn 500 trang sách, công trình nghiên cứu của Vu Gia và những bài lẻ tẻ. Số công trình này vẫn còn khiêm tốn, cố nhà văn còn nhiều khía cạnh có thể nghiên cứu.
"Văn chương Việt Nam đầu thế kỷ 20 còn rất lủng củng, câu chữ đọc như tiếng nước ngoài, nhiều người nghiên cứu không hiểu gì. Phải đến khi Tự lực văn đoàn xuất hiện, họ mang theo thứ tiếng Việt trong trẻo lạ thường mà Nhất Linh có công lớn nhất. Họ đóng góp rất nhiều cho tiếng Việt và xã hội", ông nói.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu kết luận, Nhất Linh thành công lẫn thành nhân vì ông đã làm tất cả cho văn học và chính trị. Cố nhà văn được công nhận và kính nể ngay cả bởi những người không đồng tình với ông. Vì thế, Nhất Linh mất sớm nhưng đó là "một cuộc sống dang dở nhưng xứng đáng".