Nhiều năm qua, nhân loại đã phải chứng kiến một loạt các thảm họa thiên nhiên với sức công phá kinh khủng.
Tính đến năm 2018, thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới đang liên tiếp diễn ra với tốc độ đáng báo động. Cứ vài tuần, chúng ta lại chứng kiến những trận động đất có thể phá hủy toàn bộ một thành phố, những trận cháy rừng đốt cháy hàng ngàn mẫu đất và những trận lốc xoáy gây lụt lội hàng loạt. Thảm họa đi qua, để lại vô vàn những thương vong cùng mối lo ngại bất ổn về chính trị, xã hội và kinh tế.
Ngoài lũ lụt, hỏa hoạn, hiện tượng trái đất nóng lên, còn bao nhiêu thảm họa khác đã và vẫn đang rình rập trái đất. Dưới đây là những thảm họa thiên nhiên với tác động tàn phá chẳng kém gì lũ lụt và hỏa hoạn.
Động đất ở Haiti (2010)
21h53 giờ GMT ngày 12/1 (ngày 13/1 theo giờ Hà Nội), mặt đất thủ đô Port-au-Prince của Haiti bỗng chao đảo, nhà cửa rung bần bật rồi đổ sập, chôn vùi hàng ngàn con người xấu số.
Trận động đất mạnh nhất Haiti trong hơn 200 năm qua đã phá hủy nhiều tòa nhà và để lại thi thể người la liệt trên phố. |
Đây là trận động đất có độ lớn 7,0 Mw có tâm chấn nằm cách thủ đô Port-au-Prince của Haiti khoảng 25 km về phía tây và chấn tiêu ở độ sâu 13 km.
Hầu hết các công trình lớn của Port-au-Prince đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Dinh tổng thống nằm tại quảng trường trung tâm Champs de Mars bị san phẳng. Nhiều bệnh viện, khách sạn, trường học, tòa nhà chính phủ đổ sụp. Trụ sở văn phòng Liên hợp quốc cũng bị phá hủy khiến nhiều nhân viên bị mất tích. Điện, giao thông liên lạc đã bị mất trên diện rộng làm cho việc thống kê thương vong sau thảm họa vô cùng khó khăn.
Hội chữ thập Đỏ quốc tế cho biết có khoảng 3 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, con số thương vong mà Chính phủ Haiti ước tính lên đến hơn 200.000 người.
Theo các chuyên gia, trận động đất ở Haiti có sức tàn phá mạnh bởi tâm chấn nằm gần mặt đất làm tăng mức độ rung lắc, lại chỉ cách Port-au-Prince chưa đầy 16 km. Cơ quan khảo sát địa chất Anh quốc đánh giá trận động đất tại Haiti có tác động “hủy diệt” và có sức mạnh tàn phá tương đương 10 độ Richter.
Haiti nằm trên tiếp điểm của hai mảng lục địa Caribbe và Bắc Mỹ nên phải hứng chịu nhiều trận động đất lớn. Các hoạt động địa chất đã được ghi nhận rằng ở Haiti năm 1751 đã xảy ra trận động đất mạnh 7,3 độ Richter. Ngoài ra đã có một trận động đất mạnh hơn xảy ra hồi năm 1860 và một trận khác mạnh 7,2 độ Richter hồi năm 1887.
Núi lửa Tambora phun trào tại Sumbawa, Indonesia (1815)
Tambora là một núi lửa trên đảo Sumbawa, Indonesia.Ngọn núi lửa này có độ cao 2.772 m so với mặt nước biển.Tambora phun trào năm 1815 được đánh dấu là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại.
Tambora phun trào năm 1815 được đánh dấu là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại (Ảnh minh họa) |
“Thức giấc” lúc 7 giờ tối ngày 10/4/1815, núi Tambora bắt đầu phun trào và trở thành thảm họa khiến hàng chục nghìn người chết.
Ước tính, Tambora phun khoảng 300-500 triệu kg magma (mắc-ma) mỗi giây! Tiếng nổ của nó có thể được nghe thấy từ tận Sumatra, cách địa điểm phun trào khoảng 2.600 km.
Vụ phun trào núi Tambora được ước tính có sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, mạnh hơn 14 lần bom Sa hoàng.
Núi lửa tạo nên một cột bụi cao đến 43 km và phân tán bụi ra bầu khí quyển và bao quanh Trái Đất.
Những dòng sông nham thạch nóng thoát ra khỏi miệng núi có độ cao khoảng 4.000 m, khiến cho 10.000 người chết do không kịp di tản.
Thảm họa này còn kéo theo sóng thần, nạn đói và những hiện tượng thời tiết cực đoan như tuyết rơi vào tháng 6, khiến tổng cộng hơn 100.000 người chết.
Điều không ai có thể ngờ, thảm họa núi lửa lớn nhất trong lịch sử hiện đại lại chỉ xảy ra vỏn vẹn trong... 3 ngày.
Vòi rồng “quái vật” El Reno ở Mỹ (2011)
Năm 2011, một ổ dông “quái vật” đã tạo nên loạt vòi rồng (hay lốc xoáy) mạnh khủng khiếp có tên El Reno càn quét qua vùng trung tâm Đại Bình nguyên Bắc Mỹ.
Một ổ dông “quái vật” đã tạo nên loạt vòi rồng mạnh khủng khiếp có tên El Reno càn quét qua vùng trung tâm Đại Bình nguyên Bắc Mỹ (Ảnh minh họa) |
Nhà khoa học Leigh Orf thuộc Viện hợp tác nghiên cứu vệ tinh khí tượng Mỹ (CIMSS) cho biết: “Vòi rồng El Reno được tạo ra từ một ổ dông siêu mạnh. Ở đó, lớp không khí lạnh bên trên đè lên lớp không khí nóng ở phía dưới khiến cho lớp không khí ở dưới bị “cưỡng bức”, chuyển động rất mạnh và tạo nên những đám mây xoáy liên tục theo chiều thẳng đứng.”
Với vận tốc xoáy có thể đạt tới 320 km/h (gần 89 mét/giây), vòi rồng “quái vật” mẹ cùng nhiều vòi rồng con đã càn quét qua 5 bang vùng trung tây và miền nam nước Mỹ (gồm các bang: Arkansas, Kansas, Minnesota, Missouri, Oklahoma) và khiến hàng nghìn người thương vong.
Leigh Orf cho biết thêm, âm thanh của vòi rồng “quái vật” El Reno năm 2011 đùng đùng liên tục, tựa như tiếng tàu hỏa sắp đến ga.
Cho đến nay, nguyên nhân hình thành một cơn lốc xoáy “quái vật” đang còn nhiều điều bí ẩn.
Reuters đưa tin, series vòi rồng xảy ra liên tiếp trong 6 ngày này là một trong những thảm họa tự nhiên đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ: Nó khiến 181 người chết, ít nhất 1.580 người bị thương và gây thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.
Thảm họa kép tại Nhật Bản (2011)
Ngày 11/3 hàng năm, người dân thế giới lại nhớ về trận động đất, sóng thần Tohoku khiến toàn bộ đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ 2.
Vào lúc 14h46 ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi phía Đông Bắc Nhật Bản đã kéo theo cơn sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử nước này và là 1 trong 5 trận động đất mạnh nhất trong lịch sử thế giới.
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở đất nước mặt trời mọc và là một trong năm trận động đất có sức tàn phá ghê gớm nhất thế giới kể từ năm 1900. Nguyên nhân là do đứt gãy liên kết giữa mảng lục địa Thái Bình Dương và mảng lục địa Bắc Mỹ dẫn đến sự trượt lên nhau của hai mảng. Đáy biển bị trồi sụt đáng kể dẫn đến động đất và sóng thần.Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã tuyên bố, đây là khủng hoảng quốc gia khó khăn và gay go nhất mà đất nước ông phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Thảm họa bắt đầu vào lúc 14h46 ngày 11/3/2011, trận động đất kéo theo những đợt sóng thần cao hàng chục mét đã tàn phá bờ biển đông bắc Nhật Bản. Những cơn sóng cao từ 4 đến 5 mét, cá biệt ở Iwate lên đến 38,9 mét, đã quét sạch các làng mạc và thành phố ven biển. Tại nhiều nơi, sóng thần vào sâu trong đất liền tới 10 km. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, hàng trăm nghìn người mắc kẹt trong biển nước.
Chỉ vài phút sau động đất, sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản. Ba tỉnh miền Đông Bắc và nhiều tỉnh lân cận của nước này chịu thiệt hại nặng nề với khoảng 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn (theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản).
Bão Katrina ở Mỹ (2005)
Bão Katrina là cơn bão thứ 11 được đặt tên và bão cuồng phong thứ năm của mùa bão Đại Tây Dương 2005. Katrina là cơn bão gây thiệt hại vật chất lớn nhất, và thiệt hại nhân mạng nhiều thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ. Bên cạnh đó, Katrina còn là xoáy thuận nhiệt đới mạnh thứ ba từng đổ bộ vào quốc gia này, sau hai cơn bão Labor Day 1935 và Camile năm 1969.
Bão Katrina có nguồn gốc từ sự tương tác giữa một sóng đông và những tàn dư của áp thấp nhiệt đới Ten trên vùng Bahamas vào ngày 23 tháng 8. Sang sáng sớm ngày hôm sau, áp thấp nhiệt đới mới hình thành đã mạnh lên thành bão nhiệt đới Katrina.
Katrina đã tàn phá nặng nề vùng duyên hải vịnh Mexico từ Trung Florida cho đến Texas, phần lớn thiệt hại là do sóng biển dâng. Tổn thất nhân mạng nghiêm trọng nhất là tại New Orleans, Louisiana, đây là những nơi đã xảy ra ngập lụt khi mà hệ thống đê bị tàn phá thảm khốc, tại rất nhiều địa điểm hàng giờ sau khi cơn bão đi vào trong đất liền. Cuối cùng 80% thành phố và những khu vực rộng xung quanh đã bị ngập, và tình trạng này vẫn còn duy trì trong nhiều tuần. Thiệt hại vật chất lớn nhất xảy ra tại các vùng ven biển, như những thị trấn bên bờ biển Mississippi; hơn 90% các khu vực này cũng đã bị ngập. Tàu thuyền, xe cộ và nhà cửa bị đẩy vào trong đất liền; nước biển thì đã lấn sâu 10–19 km (6-12 dặm) từ đường bờ biển.
Tổng cộng, đã có ít nhất 1.833 người thiệt mạng, khiến Katrina trở thành cơn bão chết chóc nhất tại Hoa Kỳ kể từ bão Okeechobee 1928. Tổng thiệt hại vật chất ước tính lên tới 108 tỉ USD (2005 USD),gần gấp 4 lần cơn bão Andrew năm 1992. Sau này, bão Ike năm 2008 và Sandy 2012 cũng đã gây nhiều tổn thất hơn Andrew, nhưng cả hai đều còn kém xa Katrina.
Động đất Kobe, Nhật Bản (1995)
Động đất Kobe là trận động đất xảy ra vào thứ 3 ngày 17 tháng 1 năm 1995 lúc 05h46 giờ Nhật Bản ở phía nam tỉnh Hyōgo, Nhật Bản. Trận động đất có độ lớn 6,8 theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, và 7,3 theo thang độ lớn sửa đổi của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (thang cũ là 7,2). Các chấn động kéo dài khoảng 20 giây. Chấn tiêu nằm bên dưới chấn tâm 16 km, ở phía nam của đảo Awaji, cách thành phố Kobe 20 km.
Một xe cần cẩu kéo những ô tô dưới lớp gạch đá bên tuyến đường cao tốc sụp đổ tại Kobe sau trận động đất. |
Tuy chỉ xảy ra trong 20 giây nhưng trận động đất có sức phá hoại kinh hoàng.Mọi hệ thống phục vụ cho đời sống sinh hoạt gồm điên, nước, hệ thống liên lạc, khí đốt... ở Kobe gần như tê liệt.
Trận động đất khiến 6.434 người thiệt mạng, 59% người chết đã ở độ tuổi 60 trở lên, 70% chết vì do ngạt thở và bị nghiền nát, gây thiệt hại khoảng 10.000 tỷ yên bằng khoảng 2,5% GDP của Nhật Bản lúc đó.