Bàn tay bệnh nhân xuất hiện những nốt sần, gai và bị ướt, rỉ dịch (ảnh BVCC). |
Đây là cảnh báo của TS.BS Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương về hậu quả nhiễm độc asen mãn tính.
Theo BS Quang, hiện các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đang điều trị cho một bệnh nhân bị ung thư da do nhiễm Asen. Bệnh nhân có tiền sử bị nhiễm độc asen mãn tính và biến chứng ung thư tế bào gai. Trước đó vài năm, bệnh nhân này được phát hiện bệnh nhưng thời điểm đó bệnh ở thể tại chỗ (ít xâm lấn và di căn), có thể điều trị khỏi bằng các phương pháp hợp lý. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ.
Tuy nhiên, qua một thời gian bệnh nhân không tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, cũng có thể do thuốc bôi điều trị ung thư đối với bệnh nhân không hiệu quả do tế bào gai thuỳ tại chỗ... Vì vậy phải tính đến biện pháp phẫu thuật.
Về biểu hiện bệnh ở bệnh nhân này, trên lâm sàng có những điểm dày sừng, các nốt sần đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay như gai sần sùi chút, kích thước nhỏ chỉ 1 vài mm, nhưng dày đặc sờ vào lòng bàn tay, bàn chân bệnh nhân cảm thấy gợn gợn, sần sần, không phẳng, thô ráp. Sau đó tiến triển thành ung thư tế bào gai thể tại chỗ ở ngón tay. Kèm theo đó là tổn thương ướt, rỉ dịch, tấy đỏ, đau rát, bứt rứt.
Nguyên nhân ung thư da của bệnh nhân được xác định do nhiễm độc asen. Tuy nhiên, nguồn lây từ đâu thì chưa thể khẳng định, nhưng qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết cách đấy 20 năm đã dùng thuốc Nam, thuốc Bắc điều trị hen. “Đây là một trong những yếu tố khiến da bị nhiễm độc asen gây ung thư da”- bác sĩ Nguyễn Hữu Quang nói.
Bác sĩ Quang cho biết, đây không phải trường hợp đầu tiên bị nhiễm độc asen, khoa từng gặp nhiều bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm độc asen mãn tính. Trung bình mỗi tháng khoảng 2-3 bệnh nhân. Bệnh nhân khi vào viện có rất nhiều tổn thương sần sùi, biểu hiện tiền ung thư nếu không được phát hiện không được quản lý, không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành ung thư tế bào gai tại chỗ.
“Tế bào gai là tế bào trên da, ung thư tế bào gai chia ra làm nhiều thể. Thể tại chỗ xâm lấn ở vùng tổn thương, thể xâm lấn thì tế bào ung thư có khả năng xâm lấn có khả năng di căn đến các cơ quan khác ví dụ hạch, tim phổi... cũng giống như ung thư khác”, bác sĩ Quang nhấn mạnh.
Người nhiễm độc asen có thể sẽ tích tụ 5-10 năm thậm chí 20 năm mới phát bệnh. Do đó, nếu người dân sống ở những nơi có nguồn nước nhiễm asen cao hơn mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, công nhân mỏ than, khai thác khoáng sản nếu thấy trên da xuất hiện các nốt sần sờ thô ráp, nhỏ li ti (biểu hiện nhiễm độc asen mãn tính) thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.