"Nhiên liệu" hình thành bão nhiệt đới Idalia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hình thành từ những vùng nước nóng nhất hành tinh, bão Idalia dự kiến sẽ nhanh chóng mạnh lên khi đổ bộ vào bang Florida và phần còn lại của duyên hải vịnh Mexico của Mỹ. Xu hướng hình thành những cơn bão như vậy thường xuyên xảy ra trong thời gian gần đây.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Nhiệt độ ở những nơi cơn bão sẽ đi qua trong khoảng 31 – 32 độ C. Đó là điều kiện thuận lợi cho cơn bão phát triển mạnh hơn. Về cơ bản, tất cả các yếu tố đều khiến cho cơn bão trở nên mạnh hơn”, nhà nghiên cứu Phil Klotzbach, Đại học Colorado cho biết.

Theo nhà khoa học Brian McNoldy, Đại học Miami, nhiệt độ những vùng nước đó “cao đến mức phi lý và tình trạng này trên toàn bộ vùng đông bắc vịnh Mexico là điều không tưởng”. Về bản chất, bão được hình thành và lấy năng lượng từ nước ấm. Cơn bão Idalia hiện nay đang ở trong một điều kiện tuyệt vời để có thể “thoải mái nạp năng lượng”.

“Điều đáng quan ngại và nguy hiểm hơn cả là bão Idalia đang di chuyển nhanh và mạnh lên với tốc độ nhanh bất ngờ, trong khi đó một số người lại cho rằng cơn bão sẽ suy yếu đi và chuẩn bị ứng phó có phần chủ quan hơn”, ông Ken Graham, Giám đốc Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ chỉ rõ.

“Với việc liên tục di chuyển qua các vùng nước ấm trên biển, bão Idalia có khả năng sẽ là cơn bão mạnh lên với tốc độ nhanh kỷ lục”, Giáo sư Kerry Emanuel, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhấn mạnh. Ông lưu ý thêm rằng, trên Trái Đất có rất ít vùng chủ yếu là nước ấm và có thể khiến một cơn bão mạnh lên đột ngột chỉ trong vài giờ.

Ở thời điểm ông Emanuel đưa ra những nhận định trên, tốc độ gió của bão Idalia mới chỉ đạt 128km/giờ. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, con số đó đã lên tới 145km/giờ và đến chiều cùng ngày đạt mức 160km/giờ.

Trong suốt cả mùa hè vừa qua, các nhà khoa học nhiều lần thảo luận về nhiệt độ kỷ lục ghi nhận được trên bề mặt các đại dương, đặc biệt là ở khu vực Đại Tây Dương và vùng biển gần bang Florida. Bên cạnh đó, mức độ nước sâu cũng liên tục xác lập những kỷ lục mới. Nguyên nhân chính dẫn đến những hiện tượng này được cho là do tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Theo dự báo từ Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, với tốc độ di chuyển và mức nhiệt đại dương hiện tại, bão Idalia có thể sẽ đạt tốc độ gió lên đến 200km/giờ khi đổ bộ vào Mỹ.

Theo Giáo sư khoa học khí quyển Kristen Corbosiero, Đại học Albany, những vùng nước ấm mà bão Idalia đi qua là kết quả của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, hiện tượng El Nino và kiểu thời tiết ngẫu nhiên khác. Bão Idalia thậm chí còn đi qua vùng “Loop Current”, khu vực nước biển cực kỳ ấm và sâu, chảy từ vùng biển Caribbean vào Vịnh Mexico.

Vùng nước sâu có tác động rất lớn đến quá trình di chuyển của bão, vì chúng thường có dấu hiệu bị suy yếu sau khi đi qua vùng nước lạnh. Giáo sư Emanuel mô tả, cơ chế hoạt động của nó giống như “đổ nước lạnh vào than nóng, khi chúng đang cung cấp năng lượng cho động cơ hơi nước”. Tuy nhiên, nước ở những vùng sâu hiện cũng đã ấm hơn trước đây. Bên cạnh đó, tại vùng biển phía tây Florida mà bão Idalia di chuyển qua, khu vực này không đủ sâu để có những dòng chảy đi qua.

Một yếu tố khác có thể làm chậm quá trình mạnh lên của bão là “lực cắt” từ những cơn gió đi ngang có tốc độ nhanh hơn. Thế nhưng, theo các chuyên gia cho biết, lần này cơn bão Idalia đã di chuyển vào khu vực không có nhiều “lực cắt” hoặc bất kỳ yếu tố khác có thể làm chậm tốc độ mạnh lên của nó.

Dù vậy nhưng bão Idalia không phải là cơn bão đầu tiên phát triển mạnh hơn ngay khi tiếp cận bờ biển. Vào năm 2021, 6 cơn bão, bao gồm Delta, Gamma, Sally, Laura, Hannah và Teddy đều phát triển mạnh hơn khi đổ bộ vào đất liền nước Mỹ. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Phil Klotzbach cũng cho biết các cơn bão Ian, Ida, Harvey và Michael đều diễn ra với kịch bản tương tự như vậy trước khi đổ bộ vào nước này trong vòng 5 năm qua.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature Communications hồi tuần trước, những cơn bão khi tiến gần đến bờ biển trong phạm vi 400 km trên toàn cầu, thường đạt cấp độ mạnh hơn gấp 3 lần so với 40 năm trước. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng, trước đây trung bình tần suất xảy ra những cơn bão lớn chỉ vào khoảng 5 lần/năm, nhưng hiện con số này đã lên đến 15 lần/năm.

“Xu hướng rất rõ ràng. Chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy kết quả này”, nhà nghiên cứu khí tượng Shuai Wang, Đại học Delaware, đồng tác giả nghiên cứu trên, chia sẻ.

Theo các nhà khoa học như Shuai Wang và Kristen Corbosiero, nếu chỉ xuất hiện một cơn bão như Idalia, khó có thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh trong nhiều năm và nhiều cơn bão khác nhau, nhiều học giả tin rằng tồn tại mối liên hệ nhất định giữa tình trạng ấm lên toàn cầu và xu hướng hình thành bão trên toàn cầu.

Trong nghiên cứu của mình, ông Wang nhận thấy rằng chu kỳ khí hậu tự nhiên có liên quan đến hoạt động của bão và nhiệt độ bề mặt nước biển, cả hai đều là những yếu tố khiến cho cường độ của các cơn bão và tần suất chúng xuất hiện tăng nhanh hơn bao giờ hết. Ông Wang cho biết, khi tiến hành thí nghiệm mô phỏng trên máy tính để lọc bỏ phần nước ấm, kết quả cho thấy cơn bão đã bị suy yếu ngay vào phút cuối.

“Chúng ta cần thận trọng hơn mỗi khi đưa ra kết luận rằng biến đối khí hậu là nguyên nhân khiến cho một cơn bão phát triển mạnh lên”, ông Shuai Wang cho biết. “Dù vậy, nhưng tôi tin bão Idalia đang cho chúng ta thấy một viễn cảnh mà chúng ta có thể sẽ phải đối diện trong tương lai”.

Theo AP
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.