Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 23/7 trước nguy cơ Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%, nhưng đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.
Được biết, dự án này nếu đi vào vận hành được 1 năm sẽ sản xuất được 7 tỷ kWh điện. Trong khi đó, theo tính toán, nếu không có dự án mới vào thì từ năm 2021 Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện. Đây cũng là tình trạng mà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “nếu phải chạy dầu thì giá điện sẽ đắt thêm 5.000 đồng/kWh, con số này sẽ là 35.000 tỷ đồng/năm nếu như không có thêm nhà máy nhiệt điện”.
Nhà thầu chính thiếu kinh nghiệm, kém năng lực tài chính
Báo cáo về tiến độ dự án, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết, dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32 nghìn tỷ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%...
Tuy nhiên, theo ông Hải, do dòng tiền chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Nhân sự tại công trường cũng ngày càng giảm, từ chỗ có 800 người giờ chỉ còn 300-400 người. Nhiều cán bộ kỹ thuật bỏ đi. Dự án còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tổng thầu trong nước, quá trình triển khai xảy ra nhiều bất cập…
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhìn nhận, nhà thầu chính PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than. Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ.
Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của Dự án (trên 1.000 tỷ đồng) vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện Dự án. Đồng thời, khoảng 326,8 triệu USD vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018 chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn; khoảng 7.100 tỷ dự kiến vay trong nước chưa ký được hợp đồng vay.
Trên thực tế hiện nay, Cục Điện lực đánh giá, nhiều thiết bị tại nhà máy chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo.
Về phía đại diện Tổng thầu EPC, ông Nguyễn Đình Thế, Tổng Giám đốc PVC cho biết, phần xây dựng bằng tiền Việt đã thực hiện 80%, giải ngân 84%. Tuy nhiên, nhiều khoản chưa giải ngân được do chưa có hướng dẫn. Thêm vào đó, do tái cơ cấu các đơn vị, hầu hết các đơn vị thua lỗ, nhiều dự án có vướng mắc nên tổng thầu không có nguồn bổ sung.
Trong quá trình thực hiện đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân”, ông Thế cho hay.
Tại cuộc họp, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN cũng chia sẻ: “Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Không có tiền không thanh toán được lương, không trả được cho nhà cung cấp... Anh em hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi. 32.000 tỷ đồng nằm đây. Đau xót và lo lắng vô cùng".
Rà soát kỹ thuật, đảm bảo giải ngân chặt chẽ
Đối với vấn đề năng lực của tổng thầu PVC còn hạn chế, Cục Điện lực cho biết, năm 2017, PVN đã báo cáo các phương án PVC tiếp tục thực hiện Dự án hoặc dừng Hợp đồng EPC để chọn nhà thầu khác có đủ năng lực. Tuy nhiên sau khi phân tích các yếu tố pháp lý, kinh tế, tiến độ... PVN đã có Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Dự án, trong đó PVN sẽ xây dựng giải pháp, cơ chế thực hiện, hoàn thành Dự án bằng việc huy động nhân sự có chất lượng, các nguồn lực từ Tập đoàn, các đơn vị thành viên tăng cường năng lực của PVC để hoàn thành và đưa Dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Với đề xuất của PVN về việc tạm sử dụng vốn Chủ sở hữu vượt tỷ lệ 30% tổng mức đầu tư để thanh toán cho các công việc đủ điều kiện thanh toán của Dự án, Bộ Công Thương cho rằng có thể chấp nhận được. Bộ Công Thương đề nghị PVN cần chủ động thu xếp nguồn vốn hợp lý để xử lý vướng mắc Dự án và chịu trách nhiệm để đưa Dự án vào vận hành sớm nhất.
Trả lời về việc điều chỉnh cơ cấu vốn của dự án (từ 30%/70% sang chủ yếu sử dụng vốn Chủ sở hữu với tỉ lệ khoảng 66%/34%) Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở kết quả thẩm định, báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian xem xét, quyết định, nếu Uỷ ban, các Bộ ngành liên quan đồng ý với đề xuất của PVN, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần này.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ gửi ý kiến để Bộ tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ dựa trên các đề xuất của PVN.
Bộ trưởng yêu cầu PVN cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác ...khi đề xuất nêu trên được thông qua. Đồng thời, PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. PVN có trách nhiệm cơ cấu kiện toàn lại PVC, trách những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án bởi “Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện”.