Chủ trì phiên họp, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau 10 năm thực hiện, các quan điểm, chính sách của Nghị quyết được thể chế hóa, một số mục tiêu đã đạt được kết quả đáng kể.
Theo đó, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được quan tâm đầu tư với nhiều loại khoáng sản quan trọng, chiến lược được điều tra, đánh giá tạo tiền đề phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quy mô lớn như: titan, đất hiếm, urani, đá ốp lát… một số mỏ quy mô lớn, trung bình đang khai thác, chế biến hiệu quả…
Công tác khai thác khoáng sản đã gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, công nghiệp khai khoáng nước ta đã chuyển từ phát triển theo “bề rộng” dần chuyển sang “chiều sâu”.
“Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên, sau 10 năm, một số mục tiêu của Nghị quyết vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, bối cảnh nền kinh tế thế giới sau 10 năm có nhiều thay đổi, chuyển từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” và đã đang ở thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần có những định hướng mới trong chiến lược khoáng sản cũng như phát triển công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo được thành lập với mục tiêu đánh giá công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW sau 10 năm thực hiện; đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 02-NQ/TW để trình Bộ Chính trị vào tháng 11/2021”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, các đại biểu tham dự cuộc họp trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến để làm cơ sở tổ chức thực hiện; đưa ra những ý kiến đóng góp để đặt vị trí ngành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đúng với tầm vóc và phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Ban Chỉ đạo cần tham vấn thêm các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, có đóng góp trí tuệ của các cấp để có được đánh giá toàn diện, từ đó đưa ra ý tưởng, định hướng chính sách của Nhà nước cho công tác định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thời gian tới.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cùng các đại biểu tham dự đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tổng kết, đánh giá về việc thể chế hóa các quan điểm về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã nêu trong Nghị quyết; kết quả thực hiện các mục tiêu chính và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và ngành công nghiệp khai khoáng; đánh giá việc thực hiện các chính sách; các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã nêu trong Nghị quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; đề xuất việc tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh, bổ sung các quan điểm, chính sách của Nghị quyết; các quan điểm mới cần bổ sung.