Sau khi tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Nhu cầu tuyển dụng việc làm đang tăng trở lại, nhất là thời điểm những tháng cuối năm, cơ hội việc làm đang được mở ra cho người lao động.
Từ đầu tháng 10, số lượng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong quý III năm nay, do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội có 324.000 lao động trở về quê, gây thiếu hụt nguồn cung lao động. Khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới, nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng nguồn lao động phổ thông chưa quay trở lại với nhiều lý do.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thị trường lao động có tín hiệu lạc quan khi tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh, dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Nhu cầu hàng hoá sẽ trở nên cấp bách với nhiều doanh nghiệp khi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng thời gian ngắn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Từ nay đến cuối năm, ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện thường là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn lao động. Dự báo trong quý IV, nhu cầu tuyển dụng trong ngành vận tải cũng có xu hướng tăng với nhu cầu tuyển dụng 3.000 vị trí việc làm. Ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn ước tính tuyển dụng 8.000 vị trí việc làm, nhiều nhất là các nhóm nghề phục vụ cho hoạt động lưu trú, ăn uống. Ngành kinh doanh thương mại điện tử ước tính sẽ có 10.000 vị trí việc làm trống trong quý IV năm 2021… Một số ngành nghề thuộc lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng tăng nhẹ, nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn có nhiều cơ hội việc làm mới.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, đơn vị sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, tạo hiệu quả trong việc kết nối doanh nghiệp và người lao động.
“Tiếp tục duy trì hoạt động tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Có thể trong cuối tháng 10 và tháng 11, khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát thì chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức các phiên chuyên đề, gắn với một số lĩnh vực, ngành nghề đã bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh, kể cả nhóm lao động tự do và lao động thuộc khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, cùng với một số địa phương và thành phố sẽ tổ chức những phiên giao dịch việc làm lưu động tại từng địa bàn theo khu vực, phần nào hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là dấu hiệu phục hồi sau thời gian giãn cách, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Vũ Quang Thành cho hay.
Theo một khảo sát về xu hướng tuyển dụng việc làm cuối năm do nhóm nghiên cứu của ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (thuộc Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hơn 80% doanh nghiệp có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng. Sản xuất và chế biến chế tạo đứng đầu trong 6 lĩnh vực dự kiến hoạt động tuyển dụng trở lại như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Việc triển khai kế hoạch tiêm chủng trên toàn quốc một cách nhanh chóng cùng với việc nới lỏng các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là các yếu tố quan trọng giúp cho tình hình lao động việc làm năm 2022 trở nên khởi sắc với nhiều chuyển biến tích cực. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng trong năm 2022 sẽ có mức tăng trưởng hơn 150% so với nhu cầu tuyển dụng của quý IV năm 2021./.