Các khu dân cư được xây dựng mở rộng, hệ thống đường ống dẫn nước sạch về tận ngõ, nhưng nhiều khu vực không có nước hoặc nước rất yếu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (trú tổ 16A, khu dân cư Phước Lý 2, phường Hòa An) cho biết: Từ cuối năm 2016 đường ống nước máy dẫn về đến tận cửa nhưng gần như để không. Mỗi ngày chỉ có nước máy trong 1 - 2 giờ đồng hồ vào sáng sớm, còn lại các thời gian trong ngày hầu như hệ thống nước máy không chảy.
Chỉ tay về chiếc đồng hồ nước trước thềm nhà, chị Nga cho biết: “Từ khi lắp đặt đến giờ chưa phải trả đồng tiền nước nào. Nước không có dùng, làm sao thu. Gia đình, sáng nào cũng dậy sớm hứng nước từ đường ống nhưng cũng không đủ dùng. Vì không có nước sạch, nên cứ 3 ngày gia đình phải mua 1 bình nước đóng chai 20 lít để nấu nướng”.
Anh Đặng Tấn Lực (trú tại tổ 16A Phước Lý 2) kể: Vì nước giếng ô nhiễm, không thể dùng để sinh hoạt nên ngày nào anh cũng phải dậy từ 1- 2 giờ sáng để tranh thủ hứng nước máy nhưng cũng chỉ đủ nấu nướng. Vợ anh là công nhân tại khu công nghiệp nên hàng ngày tắm rửa tại công ty. Con cái phải chở đi tắm nhờ người quen ở nơi khác. Riêng anh chấp nhận tắm nước giếng nhiễm phèn, dù rằng tắm xong ngứa khắp người. “Không có cái khổ nào bằng cái khổ không có nước sinh hoạt” ,anh Lực than thở.
Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Cty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết: hiện tại trên địa bàn TP Đà Nẵng có hàng loạt khu dân cư thiếu nước sinh hoạt dù rằng hệ thống đường ống, hạ tầng cấp nước đã được Cty đầu tư nâng cấp. Nguyên nhân chính là do khi quy hoạch thiết kế chỉ tính toán các khu dân cư hiện trạng.
Các khu dân cư mới mọc lên, đấu nối vào hệ thống đường ống hiện có, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng trong khi đường ống quá nhỏ, các khi dân cư ở xa không đủ áp lực để đẩy nước chảy về.
Riêng khu vực đô thị Phước Lý, đã thi công đường ống xong nhưng phải chờ UBND quận Cẩm Lệ cấp phép đào ngang đường Yên Thế qua Bắc Sơn để đấu nối vào hệ thống đường ống lớn. Khi đấu nối xong sẽ giải quyết được việc cấp nước cho khu vực cuối tuyến cuối cùng của phường Hòa An.
Theo ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Cty Cấp nước Đà Nẵng, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có khoảng 200 khu dân cư trước đây lắp đường ống dẫn bằng thép. Trung bình mỗi khu dân cư có từ 4.000 - 5.000 m đường ống thép xuống cấp cần thay thế. Kinh phí lớn, do đó việc thay thế được chia đều hàng năm, trong đó khu dân cư nào xuống cấp nghiêm trọng sẽ được ưu tiên thay trước bằng đường ống nhựa. Hiện Đà Nẵng đang vào mùa cao điểm, nhu cầu nước tăng cao, trong khi công suất của các nhà máy chỉ đạt khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm. Cty đang làm các dự án nâng cấp mở rộng các nhà máy nước. Riêng Nhà máy nước Hòa Liên đang chờ ý kiến Trung ương về chủ trương xây dựng.