Xâm phạm di sản, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước
Như đã phản ánh, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh kết luận việc Ban quản lý Vịnh Hạ Long và một số Sở, ngành chức năng tại địa phương này đã tham mưu không chuẩn xác dẫn tới những quyết định không đúng quy định mà UBND tỉnh đã ban hành.
Cụ thể, khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim (dự án) có tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước 147.173m3, trong đó diện tích mặt đất là 65.829m2, diện tích mặt nước là 81.884m2.
Dự án có tổng mức đầu tư 28,481 tỷ đồng từ các nguồn chủ sử dụng, vốn vay và vốn huy động khác. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, tính từ 8/2013. Chủ đầu tư dự án hiện nay là Công ty TNHH MTV Soi Sim (Công ty Soi Sim, thành lập 2015, trụ sở tại 158 Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long).
Theo tài liệu, chủ đầu tư ban đầu là Công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long (được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 7/9/2013). Tại giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ: “Phương thức sử dụng đất: Thuê đất trả tiền hàng năm”.
Do công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long triển khai chậm tiến độ và chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, thuê môi trường rừng nên ngày 14/7/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản 4130 gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Những sai phạm xảy ra tại đảo Soi Sim đã được chỉ rõ |
Tháng 8/2015, Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh cấp chứng nhận đầu tư cho công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long đã điều chỉnh phương thức sử dụng đất thành: “Cho thuê môi trường rừng”.
Tiếp đó, ngày 3/2/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản 631 về việc chuyển nhượng dự án đầu tư Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim từ Công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long sang Công ty TNHH MTV Soi Sim.
Sau khi nhận chuyển nhượng dự án và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty Soi Sim lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công trình các cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 70/2012 ngày 18/9/2012 của Chỉnh phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tuy vậy theo Luật Di sản văn hóa 2001 thì nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không có quy định việc sử dụng nguồn vốn để triển khai dự án từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Đáng chú ý, dù đã được gia hạn thời gian, thậm chí “sang tay đổi chủ” song đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ 42 tháng (theo giấy chứng nhận đầu tư, toàn bộ hạng mục dự án phải đưa vào hoạt động trước 30/2/2017).
Theo báo cáo của Công ty Soi Sim, dự án chưa hoàn thành do thực hiện trong vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian. Ngoài ra còn ảnh hưởng bởi thời thiết và dịch COVID-19.
Cụ thể, ngày 22/8/2015, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ký hợp đồng về việc thuê dịch vụ môi trường trên đảo Soi Sim – Vịnh Hạ Long để thực hiện dự án với Công ty cổ phần Vịnh Hạ Long. Hợp đồng ghi rõ diện tích rừng thuê dịch vụ môi trường rừng là 14,72ha. Hợp đồng cũng thể hiện mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ được tính bằng 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ. Thời điểm bắt đầu tính là từ khi hợp đồng có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán khoản tiền này. Báo cáo với cơ quan thanh tra, Công ty Soi Sim cho biết do dự án chưa đi vào hoạt động, nên chưa có doanh thu để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Ngoài ra chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản do nhà nước chuyển giao. Theo đó, kể từ khi được giao sử dụng các hạng mục do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư đến nay, Công ty Soi Sim chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần tài sản được chuyển giao có giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Lý giải về việc này, Công ty Soi Sim cho biết sở dĩ chưa nộp số tiền trên vào ngân sách là vì chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn.
Xâm phạm triền miên
Những sai phạm tại dự án ở đảo Soi Sim đã được chỉ rõ, tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên di sản Vịnh Hạ Long bị xâm phạm.
Tháng 8/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 3803/BTNMT-TCMT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến vùng di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, tại thời điểm này, vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long bị xâm phạm rất nghiêm trọng.
Cụ thể vào thời điểm này, dự án cải tạo và nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung, dự án tương tự tại hang Tiên Ông đã bê tông hoá cả một vùng đảo mà theo quy định đã là vùng lõi di sản thì không được có bất cứ hoạt động xâm phạm nào.
Tại văn bản 9416 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này đã nêu ra hàng loạt các công trình trái phép đã và đang xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh, công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong, công trình kè đầm hòn Vụng Hà…
Tất cả những công trình này đều xây dựng trái phép và cho đến nay không có cơ quan chức năng, tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm. Đặc biệt, hàng loạt các công trình trái phép mà UBND tỉnh đã nêu ra trong văn bản 9416 chỉ là số ít các công trình trái phép đang xây dựng giữa vùng lõi di sản vịnh Hạ Long.
Di sản Vịnh Hạ Long bị bê tông hoá nghiêm trọng |
Vào năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã ra các quyết định xử lý kỷ luật đối với tập thể và các cán bộ phường Hà Phong do có hành vi tiếp tay cho những vi phạm của Công ty Minh Anh, gồm: Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Ðức Hoàn (bị kiểm điểm và điều chuyển công tác); Lương Thanh Tùng, cán bộ địa chính - xây dựng phường (khiển trách về đảng, không bố trí công tác tại bộ phận địa chính xây dựng); nguyên Chủ tịch UBND phường Bùi Huy Luyến (từ tháng 12/2013 đến 8/2014) đang tiến hành kiểm điểm, chờ nhận hình thức kỷ luật theo quy trình vì đã để doanh nghiệp xâm phạm vào di sản Vịnh Hạ Long
Cụ thể, công ty Minh Anh được UBND tỉnh Quảng Ninh giao tự bỏ kinh phí và nghiên cứu lập quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2.000 - khu vực phía nam suối Lộ Phong, tại phường Hà Phong (TP Hạ Long). Tháng 12/2013, công ty đã tự ý xẻ núi, phá đá, bạt rừng ven biển làm một con đường dài khoảng một km, rộng 3,5 đến 8 m chạy thẳng ra vùng mặt nước Vịnh Hạ Long.
Trong quá trình thi công đường, đất đá được đổ lấn ra vụng Vông (một vụng nằm ở vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long) hàng chục mét, tràn xuống cả bãi sú, rừng ngập mặn ven vịnh. Vị trí con đường mới mở nằm chính giữa vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận.