Nhiều người đang hiểu sai về khái niệm nói ngọng

Cái gọi là "nói ngọng lờ nờ (l / n)" mà nhiều người nói đến thực ra hoàn toàn không phải là nói ngọng mà là nói nhịu. Cần phân biệt rõ khái niệm nói ngọng và phát âm phương ngữ địa phương để tránh hiểu lầm. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước quy định các ngành Sư phạm của Trường đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội sẽ không tuyển thí sinh bị dị hình, dị tật, nói lắp, nói ngọng, đã có nhiều ý kiến tranh cãi giữa hai khái niệm "nói ngọng" và phát âm phương ngữ địa phương.

Nhiều thí sinh đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm này nên hiểu rằng, nếu phát âm phương ngữ địa phương sẽ khó có khả năng thi vào trường sư phạm. 

Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Trang -giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết: "Nói ngọng là khái niệm dùng để chỉ tật phát âm không rõ, không chính xác do bộ máy phát âm của người nói bị dị tật hay khiếm khuyết. Điều này khác với việc phát âm nhầm lẫn, nhịu giữa âm này và âm khác do ảnh hưởng của cách phát âm ở một số vùng phương ngữ, hoặc do thói quen phát âm từ nhỏ". 

Việc "nói ngọng lờ nờ (l/n)" mà nhiều người nói đến, theo PGS. TS Nguyễn Thị Phương Trang, không phải là nói ngọng. "Hiện tượng trên thực ra hoàn toàn không phải là nói ngọng mà là nói nhịu. Người nói hoàn toàn có khả năng phát âm chính xác âm (l) âm (n) (vì bộ máy phát âm của họ không có vấn đề gì), song họ bị "nhịu" và lẫn giữa hai âm này. Vì thế, không nên đánh đồng hai hiện tượng.

Tật nói nhịu này cũng có thể sửa được, nếu người nói có ý thức kiên trì luyện tập và thật tập trung chú ý khi phát âm các tiếng có âm đầu là (l), (n) trong chuỗi ngữ lưu" - PGS. TS Nguyễn Thị Phương Trang cho hay. 

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Nguyễn Đức Dân cũng đồng quan điểm với việc nói ngọng và phát âm phương ngữ địa phương là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

GS.TS Nguyễn Đức Dân cho biết: "Hiểu đơn giản nhất thì nói ngọng tức là phát âm không chuẩn theo Tiếng Việt. Những người nói ngọng rất khó đứng lớp giảng dạy vì phát âm không rõ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tiết dạy và làm học sinh khó tiếp thu bài giảng nên theo tôi quy định không tuyển thí sinh có "khuyết tật" về giọng nói vào trường sư phạm là phù hợp". 

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đức Dân cho hay, điều này rất khác với việc phát âm phương ngữ địa phương. "Hiện cũng có rất nhiều giáo viên phát âm phương ngữ địa phương, tức là phát âm sai 1 vài từ theo vùng miền. Việc này hoàn toàn có thể cải thiện được nếu người đó có cố gắng nên những trường hợp này hoàn toàn có thể theo đuổi ngành giáo viên và luyện tập, cải thiện dần" - GS.TS Nguyễn Đức Dân nói. 

Như vậy có thể khẳng định, những thí sinh phát âm phương ngữ địa phương không phải là "nói ngọng". Các em hoàn toàn có thể đăng ký vào học trường sư phạm và luyện tập phát âm chuẩn để phù hợp với công việc giảng dạy sau này. 

Theo Lao Động
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.