Dữ liệu cho thấy hơn 40% người nước ngoài đã định cư tại Nhật Bản từ 3 năm trở lên, một sự gia tăng đáng chú ý trong 20 năm qua. Nhưng tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại của Nhật Bản vẫn còn thấp so với Canada và Đức, cho thấy chính phủ cần phải tăng cường hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm nếu muốn gia tăng nguồn nhân lực.
Erdenetogtokh Tuvshinbat sinh ra ở Mông Cổ, là một cựu du học sih đã chọn ở lại định cư bằng cách thành lập một công ty khởi nghiệp.
Anh đến Nhật Bản vào năm 2010 thông qua một chương trình của chính phủ và theo học ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Hitotsubashi. Erdenetogtokh làm việc trong lĩnh vực phân tích dữ liệu tại một tập đoàn lớn trước khi ra mắt công ty Tab Solution vào năm 2019. Doanh nghiệp này phát triển và cung cấp ứng dụng cho người tìm việc nước ngoài cũng như hệ thống quản lý việc làm.
"Tôi muốn mở rộng các dịch vụ trên khắp thế giới từ cơ sở của mình ở Nhật Bản, một nơi thoải mái để sống", anh nói. "Khoảng một nửa trong số 20 nhân viên của tôi là cựu du học sinh".
Chính phủ Nhật Bản không có định nghĩa cụ thể về định cư dài hạn. Nhưng 41,7% những người đến nước này vào năm 2016 đã sống ở đây từ 3 năm trở lên, theo chuyên gia Korekawa Yu từ Viện Nghiên cứu An ninh Xã hội và Dân số Quốc gia, người đã phân tích dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Nhập cư.
Con số này là 28,8% cho những người nhập cư năm 1996 và 32,3% vào năm 2006, cho thấy một sự gia tăng đều đặn.
“Khi sự chênh lệch về kinh tế giữa Nhật Bản và nước xuất xứ còn lớn, lao động nhập cư ngắn hạn có đủ lợi thế, nhưng khi sự chênh lệch thu hẹp lại, người lao động cần phải làm việc lâu hơn để thu được lợi ích. Tôi nghĩ rằng nhiều người chọn ở lại Nhật Bản vì chất lượng cuộc sống tốt hơn", chuyên gia Korekawa chỉ ra.
Có 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản tính đến cuối tháng 10 năm 2022, con số cao kỷ lục. Người lao động nước ngoài hoàn thành thời gian thực tập kỹ năng sau 5 năm sẽ ở lại bằng cách chuyển sang sử dụng thị thực dành cho lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Số lượng du học sinh chọn làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp cũng ngày càng nhiều. Những người có thị thực chuyên gia, không giống như thực tập sinh kỹ năng, không bị giới hạn về thời gian lưu trú và có thể gia hạn thị thực tùy ý.
Tính đến tháng 6 năm 2022, khoảng 300.000 người đang làm việc tại Nhật Bản dưới danh nghĩa này, nhiều người trong số họ đã ở lại sau khi tốt nghiệp.
Khoảng 29.000 người đã thay đổi tình trạng từ thị thực sinh viên sang thị thực lao động vào năm 2021, gấp 3,4 lần so với 10 năm trước. Trình độ chuyên viên chiếm 80%.
Kouichi Takeuchi, chủ tịch mạng lưới việc làm Global Power, cho biết: “Kể từ khoảng 10 năm trước, nhu cầu lao động nước ngoài đã tăng lên trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, bán lẻ, giúp sinh viên quốc tế dễ dàng tìm việc hơn”.
Các quốc gia khác cũng đang nỗ lực để giữ chân sinh viên nước ngoài. Ở Canada và Đức, nơi ưu đãi cho những sinh viên muốn xin thị thực làm việc, hơn 60% người nước ngoài ở lại nước này 5 năm sau khi nhập cảnh. Con số của Nhật Bản đứng ở mức dưới 40%.
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã hỗ trợ các trường đại học giúp sinh viên nước ngoài tìm việc làm. Hội đồng Sáng tạo Giáo dục Tương lai, do Thủ tướng Kishida Fumio làm chủ tịch, đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh viên nước ngoài ở lại nước này.
Việc tuyển dụng sinh viên quốc tế sẽ đa dạng hóa nguồn nhân tài của doanh nghiệp, với kiến thức và kỹ năng của họ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty. Người nước ngoài cũng hỗ trợ nền kinh tế với tư cách là người tiêu dùng và họ cũng tham gia vào hệ thống an sinh xã hội bằng cách đóng góp vào bảo hiểm y tế và các kế hoạch lương hưu.