Nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép", lan toả nguồn năng lượng tích cực.
Sáng 1/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2021 với Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tại Hà Nội. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2021 với Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã diễn ra vào sáng 1/7 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và đại diện lãnh đạo 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương....
Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương: những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc trong từng lĩnh vực công tác; việc kiện toàn bộ máy, nhân sự của các hội sau đại hội; những hạn chế, khó khăn cần khắc phục; những đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp cấc Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
Cụ thể, theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm do ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn Hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày, sau Đại hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, hoạt động của các hội văn học nghệ thuật dần đi vào nề nếp, thể hiện sức sống mới. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng đề ra, kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Các cuộc thi sáng tác, các công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hoá, văn học nghệ thuật tổ chức bằng nhiều hình thức sáng tác, văn nghệ sĩ hưởng ứng tích cực, say mê và tâm huyết.
Đặc biệt, đời sống văn nghệ trong thời kỳ toàn dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn duy trì được sự phong phú và đa dạng nhất định. Các hội đã tổ chức khá tốt các hội đồng cơ sở trong quy trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2021. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, văn nghệ sĩ sử dụng không gian mạng, tạo nên các sân khấu, sân chơi, diễn đàn không biên giới, cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép", vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, lan tỏa và tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cho biết: "Mặc dù dịch Covid-19 khó khăn, nhưng nhiều tác phẩm ra đời để cổ vũ xã hội, nhân dân. Những ca khúc về Covid-19, ngày bầu cử, tác phẩm điêu khắc về các thiên thần áo trắng đã được giới văn nghệ sĩ sáng tác, cổ động, nhằm lan toả và tạo nên nguồn năng lượng tích cực...".
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hội nghị cũng nêu ra và thảo luận về những tồn tại, hạn chế như những ồn ào đời tư nghệ sĩ, sử dụng tên tuổi cá nhân để quyên góp từ thiện, quảng cáo không trung thực, phát ngôn phản cảm,...gây bức xúc trong dư luận. Hiện tượng xâm hại tác quyền trên lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh và các ngành văn học nghệ thuật khác chưa được khắc phục, có biểu hiện tăng thêm. Khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống còn nhiều thách thức...Một số lĩnh vực sân khấu khủng hoảng, chịu sự tác động của cơ chế thị trường, chưa có biện pháp tháo gỡ. Bản sắc văn hoá là trách nhiệm đặt ra khi mở cửa hội nhập...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương, PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam,...nêu lên những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác của lĩnh vực văn học nghệ thuật. Từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ và các ban, bộ ngành liên quan...nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình trong thời gian tới.
Hội nghị đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Trên cơ sở quán triệt, thấm nhuần các nội dung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hoá, văn học nghệ thuật. Tập trung triển khai, tổ chức thực hiện chương trình công tác toàn khoá, từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượg và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, gắn với thực tiễn đổi mới sáng tạo. Phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình xuất sắc phản ánh về con người và đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, lĩnh vực văn học nghệ thuật rất quan trọng, thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ấn tượng với những khí thế mới, sức sống mới, nề nếp của văn học nghệ thuật trong 6 tháng đầu năm. Những đổi mới về cách nghĩ, cách sáng tác, chủ thể sáng tác, nội dung và hình thức. Trong đó có nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị lan toả lớn, thể hiện niềm tự hào, khát vọng vươn lên, cổ vũ người dân, đặc biệt trong thời điểm đất nước đối mặt với dịch bệnh Covid-19 càng có ý nghĩa lớn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục thực hiện, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; kiên quyết khắc phục hạn chế, không chủ quan.
Trong thời gian tới cần có những đổi mới trong sáng tác để đi vào lòng dân, khơi dậy ý chí khát vọng phồn vinh của đất nước, khơi dậy văn hóa dân tộc, đường lối của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ chí Minh. Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo lực lượng văn nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời gian tới để phù hợp với tình hình mới./.