Giá trị của xét nghiệm realtime RT-PCR
- Xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR là một phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của virut thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virut SARS-CoV-2, đây là phương pháp có độ chính xác cao. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi các hệ thống máy chuyên dụng và thực hiện tại phòng thí nghiệm.
-Xét nghiệm realtime RT-PCR có thể cho ra kết quả định lượng nồng độ virut tại thời điểm xét nghiệm. Kết quả có thể giúp bác sĩ tiên lượng tiến triển bệnh, cũng như đánh giá được hiệu quả điều trị.
Đối tượng xét nghiệm
- Ngừơi nghi nhiễm SARS-CoV-2 (có dấu hiệu, triệu chứng)
- Người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 ( F1)
- Những người nhập cảnh từ các nước có dịch ( cách ly tập trung)
- Bệnh nhân COVID-19 trong quá trình điều trị
- Theo chỉ định của bác sĩ/ cán bộ điều tra/ cơ quan y tế
Mẫu bệnh phẩm
Dịch đường hô hấp trên ( mũi, họng)
Dịch đường hô hấp dứơi ( phế quản, nội khí quản)
Thời điểm xét nghiệm
Theo chỉ định của bác sỹ/ điều tra viên.
Phiên giải kết quả
Xét nghiệm realtime RT-PCR có thể phát hiện các trường hợp nhiễm virut SARS-CoV-2 tại giai đoạn cuối của thời kỳ ủ bệnh ( 1-2 ngày trước khi có triệu chứng đầu tiên) và giai đoạn toàn phát bệnh.
- Kết quả dương tính
Nếu xét nghiệm realtime RT-PCR dương tính, đối tượng xét nghiệm được xác định đang nhiễm virut và có khả năng phát tán virut và lây truyền cho người khác.
Nếu bạn ở trường hợp này, cần phải đến ngay cơ sở điều trị được chỉ định, hợp tác và tuân thủ các y lệnh của bác sĩ. Bạn cũng cần khai báo đầy đủ các thông tin về lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc với ngừơi khác trong vòng 14 ngày trước khi xét nghiệm dương tính với cán bộ điều tra để thực hiện các biện pháp phòng dịch theo đúng quy định.
- Kết quả âm tính
Nếu xét nghiệm realtime RT-PCR âm tính, đối tượng xét nghiệm được xác định không nhiễm virut SARS-CoV-2 tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
Nếu bạn ở trường hợp này, bạn chưa nhiễm virut SARS-CoV và có khả năng sẽ nhiễm vì vậy bạn cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ ( mệt, sốt, ho , khó thở), bạn nên liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất khai báo để được tư vấn và chỉ định làm các xét nghiệm lại.
PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai- Phó Giám đốc Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương