Sinh ra Phi Quốc Chân (26 tuổi) mắc bệnh Hemophilia, trải qua tuổi thơ với những cơn đau hành hạ khiến không thể đi lại được, Chân đã cố gắng theo đuổi việc đến trường cùng các bạn. Thế nhưng mật độ xen kẽ giữa những lần đi học và đến bệnh viện quá dày khiến việc học của Chân bị gián đoạn. Năm lớp 8 và lớp 10 Chân đã phải học chậm lại cùng các bạn khoá sau. Học xong lớp 10, chàng trai trẻ vĩnh viễn mất đi đôi chân của mình vì bệnh tình quá nặng. Đối mặt với tương lai phía trước, Chân suy tư rất nhiều về những khiếm khuyết của mình. Em sẽ phải đối mặt với sự mặc cảm về tuổi tác, về đôi chân không nguyên vẹn của mình để đến trường… Thế rồi chàng trai trẻ đã quyết tâm đứng lên trên chính đôi chân giả của mình, thay cho việc bị những cơn đau đớn hành hạ. Chân chia sẻ: “Tôi cảm thấy được giải thoát vì trước đây với cái chân đầy thương tổn, bị hoại tử tôi đi đâu cũng cần có người cõng, phải dùng đến xe lăn còn bây giờ tôi có thể tự mình đi lại được”.
Sự mạnh mẽ, kiên cường ấy đã giúp Chân bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn, Sau 15 năm em đã tốt nghiệp chương trình THPT và thi vào Đại học Hà Nội, khoa tiếng Tây Ban Nha. Đến nay em đã tốt nghiệp đại học và có công việc, cuộc sống tự lập. Động lực để chàng trai này trở nên mạnh mẽ chính là sự ý thức về bản thân: Tôi phải cố gắng để đạt được sự công nhận của mọi người không phải vì thứ bệnh mà tôi mang trong người, mà phải bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân. Đến bây giờ, cuộc sống của tôi đã không còn khó khăn như trước. Tôi đã được điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe đầy đủ để được đi học, có những cơ hội trong cuộc sống.
Cũng tương tự, anh Lại Huy Quốc, 39 tuổi ở Thái Bình mắc bệnh rối loạn đông máu nhưng phải đến năm 21 tuổi anh mới phát hiện bệnh và điều trị. Ngày còn nhỏ, thi thoảng anh bị chảy máu khớp gối ròng ròng, đau đớn không đi lại được. Đã có 2 lần vào năm 9 tuổi và 11 tuổi anh cứ lịm dần đi, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Mọi người trong gia đình chỉ biết chuẩn bị lo hậu sự, nhưng may mắn là anh đã hồi tỉnh.
Đến khi anh học xong Đại học Bưu chính viễn thông, hăm hở chuẩn bị tìm việc thì bị đau không thể đi lại được. Đi khám biết mình mắc bệnh không thể chữa, anh vô cùng đau khổ và bế tắc. Trong 3 tháng điều trị, anh may mắn được nhận vào làm tình nguyện tại Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.
Sau 1 năm anh có thể đi lại được nhờ điều trị tích cực; đồng thời với những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình cộng tác ở trung tâm, anh đã có được công việc để sống tự lập. Cùng với thời gian, anh đã vượt qua bệnh tật để giữ nhiều vị trí quan trọng ở một số công ty máy tính lớn. Và niềm vui lớn nhất chính là anh có một gia đình nhỏ với người vợ luôn cảm thông, chia sẻ; có 2 người con hoàn toàn khoẻ mạnh. Anh Quốc cho rằng, với bệnh nhân Hemophilia, khi có đủ thông tin, người bệnh chỉ cần có ý thức trong điều trị và chăm sóc bản thân mình sẽ có cuộc sống bình thường.