Những chính sách mới, nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2022

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thay đổi cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa...là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2022.
Những chính sách mới, nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2022

Từ 1/12, Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới

Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 của Chính phủ bổ sung nhiều nhiệm vụ mới với Bộ Ngoại giao.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.

Nghị định số 81 thể hiện rõ hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng đối ngoại hội nhập quốc tế để bảo đảm phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu thực tế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nghị định bổ sung nhiệm vụ "Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước" để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.

Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ "Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật", để bảo đảm bao quát các nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đang thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định tại Nghị định cũ, phù hợp với quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung nhiệm vụ về thực hiện đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm phù hợp với Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Những điểm mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao được quy định trong Nghị định gồm: Về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Giảm 3 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 triệu đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, sổ giáo án; Không tổ chức giảng dạy đúng cấu trúc thời gian đào tạo lý thuyết, thời gian đào tạo thực hành của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. Đối với hành vi tổ chức cho người học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp không đủ điều kiện theo quy định bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Ngoài ra, hành vi xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học bị phạt tiền như sau: Khi vượt quá quy mô lớp học từ 30 - 50% bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

Nghị định có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại

Ngày 28/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Theo đó, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo một số nguyên tắc. Cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo giá thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại. Việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc "có đi có lại", phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước…

Đối với quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương, căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm các bên trong thời gian sử dụng.

Ngoài ra, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại tổ chức thực hiện bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế; tổ chức thực hiện tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng hỗ tương…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất

Ngày 18/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể:

Một là, hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân.

Hai là, thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa khác phải thực hiện các quy định tại Chương V của Luật hóa chất. Ngoài ra, phải có đầy đủ hóa đơn mua tiền chất công nghiệp, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp, có phiếu xuất kho, nhập kho; phải lập sổ theo dõi tình hình sử dụng tiền chất công nghiệp với các thông tin theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng tiền chất công nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thất thoát tiền chất công nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Ngày 9/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư công 2020 trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư; ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng công-ten-nơ ở phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hướng dẫn các địa phương có quy định cụ thể các điều kiện để đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa ở ngoài đê được hoạt động hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/12/2022.

Viên chức ngành Tài nguyên môi trường được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học

Ngày 24/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTNMT về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, theo quy định mới, một số chức danh như địa chính viên hạng II, địa chính viên hạng III, địa chính viên hạng IV cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sau: có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm hoặc ngành, chuyên ngành đất đai, địa chính, bản đồ, trắc địa, viễn thám, địa lý; có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính (bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định cũ).

Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài các tiêu chuẩn đã được quy định, địa chính viên hạng III phải có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên chức danh địa chính viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương đủ từ 9 (chín) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh địa chính viên hạng III đủ từ 2 (hai) năm trở lên (quy định cũ 1 năm).

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/12/2022.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.