Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TPHCM vừa được trang web du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor.com (Mỹ) trao giấy chứng nhận hạng xuất sắc trong top các điểm đến toàn cầu do du khách bình chọn.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thành lập ngày 4-9-1975 với tên gọi Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - ngụy. Ngày 10-11-1990 đổi tên thành Nhà Trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược và chính thức trở thành Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vào ngày 4-7-1995. Năm 1998, bảo tàng tham gia vào Hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới. Và năm 2007 Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã trở thành thành viên Hội đồng Bảo tàng thế giới (ICOM).
Toạ lạc số 28 đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM là nơi du khách có thể cảm nhận nỗi đau và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam qua các hiện vật, hình ảnh với nội dung tố cáo sự hủy diệt của quân Mỹ, sự đàn áp phong trào đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, di chứng của chất độc màu da cam… Ngoài ra còn có các phòng trưng bày về Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa.
Bảo tàng công binh
Bảo tàng công binh (số 290B Lạc Long Quân, Hà Nội) hiện trưng bày quả bom lớn nhất Việt Nam cùng hàng trăm loại bom, mìn và vật liệu nổ khác. Những quả bom có khối lượng từ khoảng trên 100 kg cho đến gần 7 tấn được xếp thành hình "siêu pháo đài bay B-52" ở trung tâm bảo tàng.
Bảo tàng còn lưu giữ quả thủy lôi lớn nhất từng được biết đến với đường kính trên 2,5 mét, chứa 180 kg thuốc nổ C4. Theo các tài liệu thu thập được, loại thủy lôi này là "vũ khí tối mật", chỉ có 10 quả và đều được sử dụng nhằm đánh sập cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Chi phí để nghiên cứu và sản xuất 10 quả thủy lôi này ước tính lên tới 1 tỷ USD (theo thời giá năm 1965).
Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo là một khu nhà tù tại Côn Đảo. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù...nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật cộng sản và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là "chuồng cọp".
Chuồng Cọp là hệ thống nhà tù được Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dùng để giam giữ và tra tấn những người Việt Nam yêu nước trong chiến tranh. Nhà tù này nổi tiếng với những đòn tra tấn vô cùng độc ác, man rợ và là một minh chứng lịch sử cho cuộc chiến tranh phi nghĩa đã diễn ra trên đất nước Việt Nam.
Hoả Lò
Nhà tù này được thực dân Pháp xây năm 1896 ở khu vực lúc đó là ngoại vi thành phố làm ngục thất trung ương của cả hai xứ Trung và Bắc Kỳ. Nơi đây giam giữ nhiều hạng người, trong đó có những tù phạm chính trị, những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp. Tên tiếng Pháp của nhà tù này lúc bấy giờ là Maison Centrale và tiếng Việt là Ngục thất Hà Nội.
Những dãy xà lim tối tăm cùng chiếc máy chém – từng được dùng để hành hình rất nhiều chiến sĩ cách mạng - còn được lưu giữ tại khu di tích này sẽ đem lại trải nghiệm khó quên về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc.
Địa ngục trần gian- nhà tù Phú Quốc
Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam Tù binh Cộng sản Phú Quốc là một trại giam nằm tại thị trấn An Thới ở cực nam đảo Phú Quốc. Trong Chiến tranh Đông Dương, trại giam này có tên là Nhà lao Cây Dừa.Đây là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32.000 tù binh (40.000 tù nhân nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ).
Theo mô tả ở Nhà tù Phú Quốc: Quân Nguỵ đã áp dụng trên 45 hình thức tra tấn tù binh từ thời trung cổ cho đến hiện đại ở nhà tù khét tiếng trên hòn đảo tuyệt đẹp này. Mục đích của chúng nhằm phát hiện tổ chức, người lãnh đạo, chủ trương vượt ngục và ép buộc tù binh vào trại sinh hoạt.