Ông Zelenskiy sẽ được chào đón như một người hùng trong ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima, Nhật Bản, nơi các nhà lãnh đạo tranh luận về cách ứng phó với một cuộc xung đột mà nhiều người dự đoán sẽ leo thang sau gần 15 tháng giao tranh.
Các nước phương Tây đã sử dụng sự kiện này để công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và khẳng định sẽ "bơm" thêm vũ khí, hỗ trợ quân sự cùng tiền mặt vào cuộc xung đột.
Nhưng G7 cũng không quên nhắm vào Trung Quốc, đồng minh mạnh nhất của Nga ở châu Á, ngầm cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm "bắt nạt" họ hoặc thay đổi hiện trạng ở Đài Loan hay Biển Đông sẽ bị đáp trả với quyết tâm tương tự như nỗ lực của Nga trong việc vẽ lại biên giới Ukraine.
“Một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy tắc quốc tế sẽ có lợi cho toàn cầu", các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong một thông cáo chung.
Lãnh đạo nhóm bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters |
Vào Chủ nhật, lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, hai trong số những nước láng giềng giàu có nhất của Trung Quốc, sẽ nêu bật mối quan hệ được cải thiện của họ bằng một cuộc họp chung.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelenskiy sẽ thông báo cho các nhà lãnh đạo G7 về những gì chính quyền Kiyv cần chuẩn bị cho một cuộc phản công mạnh mẽ chống lại lực lượng Nga, mà theo ông Zelenskiy sẽ tạo điều kiện cho một giải pháp kết thúc xung đột.
Hôm thứ Bảy, người sáng lập tổ chức lính đánh thuê Nga Wagner - ông Yevgeny Prigozhin, tuyên bố lực lượng của ông đã hoàn thành việc chiếm thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine, nhưng Ukraine đã bác bỏ tuyên bố này và cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn. Bakhmut là tâm điểm của trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu lần đầu tiên tán thành việc huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 khi các nhà lãnh đạo công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Theo một quan chức Mỹ, Biden cũng đang lên kế hoạch triển khai gói viện trợ quân sự trị giá 375 triệu USD cho Ukraine ở Nhật Bản. Gói viện trợ này sẽ bao gồm pháo, đạn dược và bệ phóng tên lửa HIMARS.
Nhưng ông Zelenskiy đã thúc đẩy các nước G7 tiến xa hơn về cả các biện pháp kinh tế và quân sự.
"Có những cuộc gặp quan trọng với các đối tác và bạn bè của Ukraine", ông Zelenskiy viết trên Twitter khi đến Hiroshima. "An ninh và tăng cường hợp tác vì chiến thắng của chúng ta. Hòa bình sẽ trở nên gần gũi hơn hôm nay".
Chuyến bay của ông Zelenskiy
Nhật Bản đã trực tiếp mời ông Zelenskiy tới Hiroshima để làm điểm nhấn cho hội nghị. Chuyến hành trình của Tổng thống Ukraine kéo dài 9.000 km từ Ả Rập Saudi trên một chiếc máy bay của Pháp nhằm tránh không phận Nga.
Trước đó, ông Zelenskiy đã tới Ả Rập Saudi, nơi ông tham dự một cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập, một nhóm bao gồm các quốc gia đang cẩn trọng tìm kiếm cách né khỏi cuộc đối đầu của các cường quốc.
Mặc bộ quân phục màu xanh ô liu thông thường của mình, ông Zelenskiy bước ra khỏi máy bay vào chiều thứ Bảy và nhanh chóng di chuyển đến một chiếc ô tô đang chờ sẵn.
Trong vài giờ sau đó, ông Zelenskiy đã được chào đón nồng nhiệt trong các cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng những lãnh đạo khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy đã ví von chuyến bay tới Hiroshima của ông Zelenskiy sẽ giúp "thay đổi cuộc chơi".
"Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội duy nhất để trao đổi với nhiều quốc gia từ phía nam và bày tỏ tình hình của ngài, bày tỏ thông điệp và chia sẻ quan điểm. Tôi tin rằng nó có thể thay đổi cuộc chơi", Tổng thống Macron nói với người đồng cấp Ukraine bên lề hội nghị.
Tại Nhật Bản, cuộc kháng cự của một quốc gia châu Âu trước nước láng giềng lớn mạnh hơn có ý nghĩa đặc biệt đối với một quốc gia cảm thấy bị đe dọa bởi Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã sử dụng Hiroshima, thành phố đầu tiên bị bom nguyên tử san bằng, như một lời nhắc nhở rõ ràng về sự khủng khiếp của chiến tranh.
Ông Zelenskiy dự kiến sẽ tổ chức một phiên họp vào Chủ nhật với tất cả các thành viên G7 trước một phiên họp mở rộng với các quốc gia được mời khác.
Các quốc gia thuộc hệ thống "Nam toàn cầu", bao gồm Brazil và Ấn Độ, được mời giúp vun đắp mối quan hệ với các quốc gia đã cố gắng tránh đưa ra những lập trường mạo hiểm trong cuộc xung đột giữa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc, hoặc tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với Nga.