Mới đây, Hoa hậu Phạm Hương quyết định sang Mỹ chữa căn bệnh tuyến giáp. Trước đó, Phạm Hương từng sang Singapore để điều trị nhưng vẫn chưa khỏi hẳn.
Theo chuyên gia, tuyến giáp là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể, tuy khu vực này nhỏ nhưng lại dễ bị xâm nhập và viêm nhiễm, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh.
Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết số lượt khám bệnh lý tuyến giáp tại bệnh viện tăng gấp gần ba lần trong bốn năm gần đây. Năm 2014 có hơn 27.000 lượt bệnh nhân, năm 2017 lên đến trên 74.000 lượt. Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp là basedow, ung thư tuyến giáp, bướu cổ, suy giáp, viêm tuyến giáp...
Chức năng tuyến giáp bị rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ thể. Bệnh nhân bị cường giáp có thể gầy sút nhanh, sợ nóng, đổ nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh, bồn chồn, tính khí thất thường, dễ cáu gắt… Nếu không điều trị có thể dẫn đến cơn bão giáp, nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Dương, phụ nữ có thai mắc cường giáp có thể đẻ non hoặc bị tiền sản giật, suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Cường giáp không được kiểm soát tốt dẫn tới trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, sinh non, thai chết lưu hoặc dị tật...
Khi bị suy giáp, bệnh nhân hay mệt mỏi, suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, trí nhớ giảm, có khi tăng cân, sợ lạnh, da khô, lông tóc dễ gãy rụng, nói khàn, khó thở, dễ táo bón, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim, suy tim... Suy giáp không điều trị có thể dẫn đến hôn mê. Phụ nữ có thai bị suy giáp nặng sẽ thiếu máu, đau cơ, yếu cơ, suy tim xung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của thai nhi. Trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết về căn bệnh tuyến giáp:
Bướu cổ/ Cổ sưng
Đây là biểu hiện rõ ràng nhất về bệnh lý tuyến giáp. Về cơ bản, các bệnh về tuyến giáp như bướu giáp hay viêm giáp sẽ luôn đi kèm với một triệu chứng rõ ràng là cổ sưng hay bướu cổ. Bướu cổ luôn đi kèm với việc cơ thể thiếu iốt, khó hô hấp hay nói chuyện.
Đau cơ khớp, hội chứng viêm cánh tay
Đau cơ khớp cũng là một triệu chứng của bệnh tuyến giáp cho thấy tuyến giáp của bạn đang gặp vấn đề. Đối với suy giáp, bạn sẽ thấy tê ngứa và cánh tay do lượng hormone tín hiệu bị thiếu dẫn đến việc não gửi thông tin chậm đến các cơ. Đối với cường giáp, người bệnh rất dễ bị cứng khớp và phối hợp tứ chi.
Thay đổi tóc và da
Nếu tuyến giáp của bạn có điểm gì đó không được bình thường, chúng sẽ biểu hiện ngay lên tóc và da bạn. Khi bạn bị suy giáp, tóc sẽ giòn, xơ và dễ gãy, da khô và bong tróc. Đó là do rối loạn hormone tiết ra làm tóc khó tăng trưởng. Còn với suy giáp, người bệnh sẽ dễ bị rụng lông và tóc, da trở nên đặc biệt mẫn cảm.
Kinh nguyệt không đều, khó có con
Suy giáp ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề kinh nguyệt. Nếu các kì kinh đến sớm với tần suất cao bạn có thể đã bị suy giáp. Ngược lại, nếu kì kinh ngắn hơn, ít xuất hiện thì bạn có thể bị cường giáp. Điều này là do nồng độ hormone thay đổi, gây kích thích đến kinh nguyệt, làm thay đổi cơ chế kinh, từ đó khiến các nang trứng cũng bị rối loạn theo, khiến quá trình thụ tinh và sinh con khó khăn.
Giảm ham muốn
Các bệnh về giáp đều liên quan trực tiếp đến hormon, vì thế cần điều trị ngay khi phát hiện bệnh. Bệnh nếu phát triển lâu dài sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố estrogen, khiến người bệnh hết ham muốn và vô sinh. Bệnh tuyến giáp đặc biệt có tác động tới kinh nguyệt cũng như kì rụng trứng.
Thay đổi cholesterol
Máu của những người có bệnh về tuyến giáp thường có tỉ lệ cholesterol rất không ổn định, vì vậy nếu bạn không sử dụng các loại thuốc về cholesterol hay đang điều trị bệnh lý liên quan mà nồng độ cholesterol vẫn cao thì có lẽ bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
Vấn đề đường ruột
Hormone tuyến giáp về cơ bản ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể, hệ tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Vậy nên, người bị bệnh về tuyến giáp rất dễ bị tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Trong đó, người bị suy giáp dễ bị táo bón còn người bị cường giáp thì lại hay bị tiêu chảy và đau bụng.
Tăng huyết áp
Hormone từ tuyến giáp có ảnh hưởng lớn đến cả vấn đề tim mạch, hormone thường kích thích làm tăng giảm nhịp tim và sức bơm máu, vì vậy dẫn đến tình trạng tăng giảm huyết áp. Vậy nên nếu bạn bị rối loạn tuyến giáp, huyết áp của bạn sẽ rất thất thường. Suy giáp khiến huyết áp tăng nhanh còn cường giáp lại khiến huyết áp bị chậm.
Trầm cảm lo âu
Nếu cơ thể bị trầm cảm và hoảng sợ, chữa trị mãi vẫn không khỏi dù đã uống thuốc đặc trị, có thể bạn đã bị bệnh về tuyến giáp.
Mệt mỏi
Hormone tuyến giáp là một phần quan trọng giúp tăng trưởng và thúc đẩy hoạt động của các cơ, vì vậy, nếu bạn gặp vấn đề về tuyến giáp sẽ khiến nguồn hormone giả, do đó cơ sẽ không được thúc đẩy và gây mệt mỏi. Đặc biệt, đôi khi cường giáp còn có thể khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ nhưng không cảm giác đủ giấc.
Chưa kể, nếu tuyến giáp có vấn đề, hormone ít sẽ kéo theo lượng seroterin thấp xuống, tạo cảm giác làm việc không hứng thú, mệt mỏi.
Đó là bởi vì việc sản xuất quá ít hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến lượng serotonin trong não mà serotonin là một loại hormone có tác dụng giúp bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Do đó, khi tuyến giáp không hoạt động tốt, lượng serotonin trong não bị giảm đi, kết quả là bạn cảm thấy chán nản.
Thay đổi trọng lượng
Khi bị cường giáp, các hormone sản sinh liên tục sẽ khiến bạn luôn có cảm giác đói, nhưng dù ăn nhiều vẫn giảm cân. Còn với suy giáp, bạn không có cảm giác muốn ăn và dù không ăn bạn vẫn béo. Vậy nên nếu cân nặng của bạn trở nên khó thay đổi cho dù đã cố gắng giảm bớt hoặc tăng khẩu phần thì có thể bạn đã bị bệnh về tuyến giáp. Bạn nên biết rằng đó chính là triệu chứng của tuyến giáp và hãy sẵn sàng đi gặp các chuyên gia tư vấn trong thời gian sớm nhất.