Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas. Từ tiếng Pháp, Noël là viết tắt của từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại tổ chức vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng".
Trong ngày này, người dân ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây vui chơi, đi lễ nhà thờ và phần không thể thiếu đó là chuẩn bị các món ăn ngon chào mừng ngày Chúa ra đời.
Bánh Pudding
Những chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy không thể thiếu trong bữa tiệc Giáng sinh. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay khác xa chiếc bánh ngày xưa. Vào thế kỷ XV, bánh được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị.
Khoảng thế kỷ thứ XVI, các loại rau và thịt mất dần. Đến thế kỷ thứ XIX thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn phải phần bánh này sẽ gặp may mắn cả năm.
Cocktail trứng (eggnog)
Eggnog là loại cocktail được làm bằng kem, sữa, đường và lòng đỏ trứng, có thể kết hợp với bột quế hay nhục đậu khấu, thêm rượu brandy, rum hay whiskey. Thức uống này rất phổ biến trong những dịp Giáng sinh, lễ tết ở các nước Phương Tây.
Nếu bạn bỏ bớt thành phần rượu đi, eggnog sẽ trở thành món kem trứng thơm ngậy, bổ dưỡng, phù hợp với cả trẻ em và người lớn.
Bánh khúc cây
Bánh khúc cây là loại bánh theo truyền thống kiểu Pháp được sử dụng trong dịp lễ hội Giáng sinh. Những chiếc bánh khúc cây ngày nay được trang trí bởi bột đường trắng giống như tuyết, trái cây tươi, và những cái nấm được làm bằng kem đường.
Bánh khúc cây bắt nguồn từ tục lệ, trong đêm trước Giáng sinh, người ta hay chặt một khúc cây lớn và đem vào nhà để làm lễ. Khúc cây sẽ được đặt trên lò sưởi, người chủ nhà làm lễ dâng rượu bằng cách rắc lên khúc cây một ít dầu, muối, và rượu nóng, và đọc lên những lời cầu nguyện.
Tương truyền rằng những bột than có từ khúc cây đã cháy này sẽ bảo vệ cho ngôi nhà khỏi tránh được thiên tai và sự xâm nhập của ma quỷ. Những chọn lựa về các loại gỗ khác nhau, cách đốt khúc cây và khoảng thời gian để làm nghi thức này thay đổi tùy theo những vùng khác nhau.
Bánh quy gừng
Cũng giống như bánh khúc cây, bánh quy gừng hay còn gọi là gingerbread là thứ bánh ít khi thiếu vắng trong lễ Giáng sinh. Những chiếc bánh thơm ngon, giòn tan với đủ các kiểu dáng, màu sắc thi nhau được làm vừa để thưởng thức vừa để đãi khách tới chơi nhà. Vị ấm áp của chiếc dường như người ta có được cảm giác xua tan đi cái lạnh của mùa Giáng sinh này.
Chiếc bánh quy gừng đã có từ xa xưa, nghe nói nó có nguồn gốc từ Trung Đông rồi theo du nhập vào Châu Âu và loại bánh nhanh chóng được ưa thích. Ban đầu, nó được làm từ hạnh nhân, vụn bánh mì cũ, nước hoa hồng, đường và gừng.
Đến thế kỷ 16, người Anh đã “cải tiến” công thức bánh bằng cách thay vụn bánh bằng bột, cho thêm trứng và đường phèn, kết quả là bánh đã trở nên nhẹ hơn rất nhiều. Nhằm thể hiện tình cảm với các chính khách nước ngoài, Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất đã dày công tìm tòi một loại bánh vừa đơn giản vừa độc đáo.Và bà đã làm ra chiếc bánh quy gừng hình người đầu tiên của nước Anh với ruy-băng đỏ vòng quanh cổ, tượng trưng cho biểu tượng của tình yêu.
Kẹo gậy
Những chiếc kẹo gậy bạc hà xuất hiện rất nhiều trong lễ Giáng sinh và nó cũng là thứ kẹo chẳng thể thiếu được trong mỗi gia đình ở dịp lễ này. Khi mới ra đời, cây kẹo gậy mang hình dáng thẳng với màu trắng. Sau này, để trang trí cho đẹp và nổi bật hơn, những chiếc kẹo được làm thêm vằn đỏ với vị bạc hà và uốn cong 1 đầu như ngày nay.
Người ta nói rằng, chiếc kẹo gậy mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Khi lật ngược kẹo, cây kẹo có hình chữ J, chữ cái đầu tiên trong tên chúa Jesus. Màu sắc của chiếc kẹo cũng có ý nghĩa riêng. Màu trắng muốt của kẹo biểu hiện cho sự xuất hiện của Đức Mẹ Đồng Trinh, sự trong trắng vô tội của Chúa.
Chính vì vậy mà kẹo cây gậy Giáng sinh xuất hiện như một biểu tượng thiêng liêng, đồng thời giúp con người hướng đến cuộc sống thánh thiện, tốt đẹp hơn.
Kẹo bi
Kẹo bi cũng như kẹo cây, không thể thiếu trong Noel, chỉ có điều không được nổi tiếng như người anh của nó. Không như kẹo gậy, kẹo bi có nhiều vị khác nhau. Loại kẹo này cũng hấp dẫn các em bé vô cùng vì vị ngọt hấp dẫn, và có hình tròn xoe xinh yêu như quả trứng chim.
Gà Tây
Gà Tây quay từ lâu đã trở thành một món ăn không thể thiếu vào ngày lễ Tạ ơn và ngày lễ Giáng sinh. Mỗi khi giáng sinh đến, người ta thường quây quần bên bàn ăn và thưởng thức bữa tối với gà tây.
Thời điểm ban đầu, người phương Tây thường sử dụng ngỗng nhiều hơn là gà tây. Sau này, người ta nhận thấy rằng xét về khối lượng, gà tây rẻ hơn ngỗng, hơn nữa, ngỗng rất khó nuôi. Gà tây là món ăn hợp lí nhất để ăn vào mùa thu bởi lẽ gà tây được sinh ra vào mùa xuân, được nuôi trong khoảng 7 tháng, và đến thời điểm lễ giáng sinh chúng đạt được trọng lượng "lý tưởng" khoảng 4,5kg. Việc sử dụng gà tây cho lễ giáng sinh bắt đầu từ những người dân Anh Quốc.
Vào năm 1863, khi Tổng thống Mỹ Lincoln công bố ngày lễ Tạ ơn sẽ trở thành một ngày lễ quốc tế, thì gà tây bắt đầu được sử dụng như một món ăn chính vào ngày lễ Tạ ơn. Khi lễ Tạ ơn chấm dứt thì những ngày nghỉ đông lại bắt đầu, gà tây trở thành món ăn chủ đạo trong suốt mùa đông, và tất nhiên nó cũng trở thành một món ăn không thể thiếu trong đêm Giáng sinh kể từ đó. Gà tây thường được nhồi bằng các loại gia vị và sử dụng kèm với các loại nước sốt, và bánh pudding cùng những món ăn khác trong đêm Giáng sinh.
Đùi lợn muối Giáng Sinh
Thật tuyệt vời khi được thưởng thức món này. Miếng thịt dai dai, bùi bùi mùi khói, đầm đậm vị muối, và phần bì ngậy ngậy, đã làm mê hoặc bao người trong bữa tiệc Giáng Sinh. Món ăn này bắt nguồn từ truyền thống của người Na-uy, với nguyên liệu chính là thịt lợn rừng. Trong mùa Giáng sinh, người ta thường hay vừa ăn loại thịt này, vừa thưởng thức các bài ca giành riêng Giáng sinh.
Bánh nhân thịt
Có lẽ món này không lạ lẫm với nhiều người lắm. Nhưng nó lại là một món không thể thiếu trong Noel. Chiếc bánh như một “cái túi” đựng bên trong thịt băm, trái cây, đường, và chút gia vị đặc biệt… Món ăn như mong ước của bao người, luôn được hạnh phúc, no đủ, tròn đầy như chiếc bánh này vậy
Bánh pate
Đây lại là một món bánh đặc biệt nữa. Nhân bánh không phải là pate bình thường làm từ lợn hay gan ngỗng mà thành phần chính là tim, gan, óc….Món ăn này từng là sự lựa chọn hàng đầu của tầng lớp quý tộc thời xưa. Nó thực sự được nhiều người biết đến từ thế kỉ 17.
Súp
Súp là món ăn quen thuộc hàng ngày, và tất nhiên không thể vắng mặt trong bữa tiệc Noel. Tùy vào khẩu vị mỗi gia đình, người nấu sẽ lựa chọn và chế biến món súp thích hợp nhất. Còn tại sao món súp lại được dùng trong bữa tiệc Giáng sinh? Thì câu trả lời là đó là một món khai vị hấp dẫn, và nó mang ý nghĩa mong muốn sức khỏe dồi dào cũng như thành công sẽ đến với mọi người.
Rượu táo
Rượu táo là một loại rượu làm từ táo lên men, nồng độ cồn từ rất ít cho tới không có, do đó rượu táo rất được ưa chuộng để tham gia vào những bữa tiệc gia đình có cả người lớn và trẻ nhỏ như tiệc Giáng sinh.
Rượu táo có cách làm gần giống với nước ép táo nhưng không chắt bỏ toàn bộ phần bã, mà vẫn giữ lại một phần thịt táo rồi lên men. Rượu táo vì thế không thể để lâu như nước táo ép, nhưng bù lại giữ được hương vị tươi mới, tự nhiên. Rượu táo cũng có sự kết hợp giữa nhiều giống táo khác nhau để tạo ra độ chua- ngọt – cay cân bằng nhất.