Những ngộ nhận về quá trình trao đổi chất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nam giới trao đổi chất tốt hơn nữ giới, hay người trưởng thành trao đổi chất tốt hơn trẻ nhỏ... Theo Herman Pontzer, Phó Giáo sư Nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Duke, đó đều là những quan điểm sai lầm.
(Ảnh minh hoạ: New York Times)
(Ảnh minh hoạ: New York Times)

Trẻ nhỏ trao đổi chất tốt hơn người trưởng thành

Đa số đều nghĩ rằng, nếu lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày lớn hơn lượng calo tiêu thụ, họ sẽ tăng cân; trong trường hợp ngược lại, họ sẽ giảm cân. Và họ coi việc ăn kiêng và tập thể dục để giảm lượng calo nạp vào cơ thể, là những cách giảm cân hữu hiệu nhất.

Nhưng họ không biết rằng, 55% - 70% năng lượng từ đồ ăn và đồ uống sẽ được cung cấp cho quá trình trao đổi chất, để duy trì sự sống của chúng ta.

"Trao đổi chất không chỉ gói gọn trong việc tập thể dục," Herman Pontzer, Phó Giáo sư (PGS) Nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Duke cho biết. "Tần suất hoạt động của các tế bào trong cơ thể mới là thước đo chính xác nhất về mức độ trao đổi chất." Theo ông Pontzer, tính tổng mức tiêu hao năng lượng cho chúng ta biết cơ thể cần bao nhiêu calo để duy trì sự sống, và nó đang hoạt động thế nào.

Những ngộ nhận về quá trình trao đổi chất ảnh 1

55% - 70% năng lượng từ đồ ăn và đồ uống sẽ được sử dụng cho quá trình trao đổi chất. (Ảnh: Internet)

Dù đã nghiên cứu gần một thế kỷ, các nhà khoa học vẫn chưa thể đo lường chính xác xem sự trao đổi chất thay đổi ra sao trong suốt cuộc đời một người. Cơ thể càng lớn thì sẽ càng có nhiều tế bào và tiêu hao nhiều năng lượng hơn - đó là kiến thức phổ thông. Nhưng các yếu tố như tuổi tác, giới tính, lối sống và bệnh tật ảnh hưởng tới tốc độ tiêu thụ năng lượng như thế nào, là câu hỏi rất khó trả lời. Điều này dẫn đến những giả định bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân, ví dụ như quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại khi ta bước vào tuổi trung niên; hay quá trình trao đổi chất ở nam giới mạnh hơn nữ giới, nên họ có thể giảm cân nhanh hơn...

"Tất cả những kinh nghiệm đó đều không được chứng minh bằng dữ liệu cụ thể. Chúng chỉ 'nghe có vẻ hợp lý' thôi," PGS Pontzer khẳng định.

Tháng trước, một nghiên cứu của PGS Pontzer và hơn 80 đồng tác giả đã tiết lộ rằng, phần lớn những gì chúng ta biết về trao đổi chất là sai lầm. Sử dụng dữ liệu thu thập từ hơn 6.400 người từ 8 ngày tuổi đến 95 tuổi, những nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, sự trao đổi chất trong cuộc đời mỗi người thường trải qua nhiều giai đoạn.

Mức độ trao đổi chất của trẻ sơ sinh tương tự như người lớn. Sau đó, khi trẻ được khoảng một tháng tuổi, mức độ bắt đầu tăng nhanh. Từ tháng thứ 9 tới tháng thứ 15, mỗi ngày trẻ cần khoảng 4.000 calo - cao gấp rưỡi một người đàn ông trưởng thành. Từ 1 đến 2 tuổi, mức tiêu hao năng lượng giảm dần cho đến năm 20 tuổi, và ổn định trong 40 năm tiếp theo. Sau đó, quá trình trao đổi chất mới bắt đầu chậm lại tới khi kết thúc vòng đời.

Những ngộ nhận về quá trình trao đổi chất ảnh 2

Trẻ từ 9 - 15 tháng tuổi cần tới 4.000 calo mỗi ngày, gấp rưỡi một người đàn ông trưởng thành. (Ảnh: mamamy)

Không chỉ vậy, theo nghiên cứu, ngoài tuổi tác, giới tính, lối sống và bệnh tật, 2 yếu tố khác là gen và lối sống cũng ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất. Điều này lý giải vì sao những người có cùng kích cỡ cơ thể với thói quen ăn uống lại khác nhau về mức độ trao đổi chất.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tốc độ trao đổi chất của nam giới không nhanh hơn nữ giới. Họ tiêu thụ năng lượng nhiều hơn bởi họ thường có cơ thể lớn hơn, với tỷ lệ cơ bắp cao hơn.

Chìa khoá chống lại sự lão hoá?

Richard Bribiescas, Giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Yale, cho biết nghiên cứu trên đã đính chính nhiều ngộ nhận về hoạt động của cơ thể. "Sự trao đổi chất, hay cách cơ thể sử dụng năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong kiến thức về bệnh tật và sức khoẻ con người."

Nghiên cứu trên đã đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, ảnh hưởng của quá trình trao đổi chất đến các khuyến nghị dinh dưỡng và liều lượng thuốc cho một người là gì? Có mối liên quan nào giữa sự suy giảm về trao đổi chất và sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở người trên 60 tuổi không?

"Tôi tin rằng cơ thể con người có một cơ chế điều khiển quá trình trao đổi chất ở từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Đây có thể là chìa khoá để chống lại sự lão hoá," Jennifer Rood, một trong 80 đồng tác giả tham gia vào nghiên cứu nhận xét. GS. Bribiescas cũng khẳng định, nắm bắt được cơ chế trên sẽ giúp các nhà nghiên cứu điều chỉnh lại nhiều kiến thức về sức khoẻ con người ở mọi lứa tuổi.

Theo New York Times
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.