Ước mong không còn ai mất mẹ
Mẹ mất năm anh Nguyễn Trí Hiếu (sinh năm 1974) vừa tròn 20 tuổi, anh bị ám ảnh vô cùng quãng thời gian mệt mỏi ra vào bệnh viện, mọi người trong gia đình hớt hải chạy đi huy động mọi người hiến máu, mua máu để truyền cho mẹ. Nỗ lực của cả gia đình vẫn không mang về đủ số máu để cứu mẹ Hiếu. Anh mất mẹ mãi mãi từ năm đó.
Sau gần 20 năm gắn bó với công việc hiến máu, tôi thấy mình có trách nhiệm cứu giúp người khác, giọt máu của mình lưu thông mãi thì tốt. Chỉ cần người ta vui vẻ, sống thoải mái là mình vui, hạnh phúc rồi”.
Năm 1994, khi đó phong trào hiến máu tình nguyện vẫn chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn do người dân chưa tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức về hiến máu tình nguyện cũng hời hợt. “Không chỉ mẹ tôi mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này” – anh Hiếu chia sẻ.
Anh kể: “Đến những năm 1997, khi thấy những hình ảnh, những lời nói vận động hiến máu trên báo đài, tôi lại nhớ quay quắt hình ảnh của mẹ, nhợt nhạt và đau đớn trên giường bệnh, tôi đi đăng ký hiến máu luôn. Tôi chuẩn bị rất kỹ cho lần đầu hiến máu, ăn sáng đầy đủ nhưng đến nơi được bác sỹ thông báo “người chiến sỹ sẵn sàng hiến máu nhưng mời ông về cho. Nếu muốn hiến mời ông ngày mai quay lại”. Lý do vì tôi đã trót… ăn sáng”.
ông Vinh |
Sau lần hiến máu đầu tiên ấy, đến nay trải qua 22 năm, anh Hiếu đã tham gia hiến máu đến 70 lần. Mỗi lần hiến máu, anh lại ở trạng thái khác nhau. Nhưng nhớ nhất là những lần hiến máu cho bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp. Khi ấy kể cả đang đi làm anh Hiếu cũng xin phép đi hiến máu và được cơ quan tạo điều kiện tối đa để kịp thời cứu sống người bệnh. “Nhiều khi nghĩ, nếu mẹ ở trong thời đại hôm nay, có lẽ mọi thứ đã khác. Thực sự phải rơi vào hoàn cảnh khi bản thân, hoặc gia đình có người trong cơn hoạn nạn bạn mới biết trân quý sự giúp đỡ từ cộng đồng như thế nào, nhất là những giọt máu đào”, anh Hiếu bùi ngùi.
Từ chính câu chuyện buồn của gia đình đã thôi thúc anh hiến máu vô điều kiện, chỉ cần đủ sức khoẻ là hiến. Không chỉ tâm niệm “Tôi phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần, khi không còn đủ điều kiện hiến máu nữa” mà anh còn gửi gắm tới những người tham gia hiến máu tình nguyện h thông điệp “tiếp tục ủng hộ và hiến máu suốt cuộc đời mình”.
Nhiều người bảo anh “vác tù và hàng tổng”, nhưng anh chẳng quản ngại. Xúc động hơn, ngoài nhiệt tình hiến máu, anh Hiếu còn đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước với lời chia sẻ đầy bao dung: “Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì mình không giữ, làm sao cho được những ai cần là đủ”.
Hễ bệnh viện gọi là lên đường
Là một trong những người mang trong mình dòng máu hiếm, ông Lâm Văn Vinh, sinh năm 1963, ở TP Hồ Chí Minh đã đến với phong trào hiến máu tình nguyện được gần 20 năm (từ năm 2002). Với số lần hiến máu lên tới 44 lần trải dài suốt quãng thời gian trên, người đàn ông này hiến bất kể khi nào có người cần truyền máu. “Có năm tôi hiến 4 lần, có năm tôi hiến 1 lần. Hễ khi nào bệnh viện gọi có bệnh nhân cần truyền máu là tôi đi”, ông Vinh cho biết.
Nói về hành động hiến máu cứu người thầm lặng của mình, ông Vinh rất giản dị: Khi mới tham gia hiến máu tôi còn đang công tác, làm ở ban chấp hành công đoàn nên đi đầu hiến máu để làm gương cho anh em. Lúc đó phát hiện ra tôi thuộc nhóm máu hiếm (Rh-) nên Hội chữ thập đỏ TP gọi tôi tham gia câu lạc bộ nhóm máu hiếm. Từ cơ duyên ấy, tôi tham gia hiến máu đến bây giờ.
Ông kể: “Sau gần 20 năm gắn bó với công việc hiến máu, tôi thấy mình có trách nhiệm cứu giúp người khác, giọt máu của mình lưu thông mãi thì tốt. Chỉ cần người ta vui vẻ, sống thoải mái là mình vui, hạnh phúc rồi. Cách đây mấy năm có một bệnh nhân ở Bệnh viện 115 bị thiếu máu khi ghép thận, chúng tôi đã đến hiến. Người nhà bệnh nhân lấy số điện thoại sau đó gọi điện cảm ơn. Tôi thấy vui nhưng nghĩ mình cho đi chứ không mong muốn nhận lại”.
Nghĩ sao làm vậy, ông Vinh vận động vợ và con trai tham gia hiến máu nhưng do sức khoẻ vợ, con không đảm bảo nên chỉ hiến được 1 lần. Từ đó đến nay, cùng với vận động bạn bè hiến máu, người đàn ông này luôn sống có trách nhiệm bằng cách duy trì lối sống lành mạnh để có thể hiến máu cứu người bất cứ lúc nào. Đó không chỉ là trách nhiệm với bản thân ông mà còn là trách nhiệm đặc biệt với cộng đồng.
“Tôi có ý thức ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn để giữ sức khoẻ đảm bảo đủ sức đi hiến máu. Nếu có uống rượu bia thì tôi cũng ở mức độ ít thôi, không xay xỉn… Mình khỏe thì mới đảm bảo được nguồn máu của mình khoẻ”, ông Vinh cười nói.
Mất máu nhưng được nhiều thứ
Cách đây 10 năm (năm 2009) cũng như nhiều sinh viên khác, chàng trai Nguyễn Đức Kiên, sinh năm 1991, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc tham gia phong trào hiến máu tình nguyện theo chương trình đoàn trường phát động. Kiên bất ngờ được thông báo em thuộc nhóm máu hiếm. “Lúc ấy, khi mới biết thông tin này em thấy thật bất ngờ và cảm thấy sướng vì thấy mình đặc biệt hơn người khác. Sau đó thì em cũng hơi lo lắng, nếu mình như thế khi xảy ra chuyện thì làm sao. Ngay khi đó em đã tham gia vào câu lạc bộ nhóm máu hiếm và kêu gọi, tập hợp thêm nhiều thành viên tham gia”, Kiên chia sẻ.
Anh kiên |
Với lợi thế học chuyên ngành công nghệ thông tin, Kiên lập facebook với nick-name “Kiên mắt to” để đứng ra tập hợp, vận động những người cùng thuộc nhóm máu hiếm tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ để sẵn sàng hiến máu hỗ trợ cộng đồng. Với vai trò quản trị các nhóm trên mạng xã hội, “Kiên mắt to” đã tập hợp được 1.000 người tham gia vào Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc. Trong đó, có 700-800 người thường xuyên hiến máu, liên lạc, trao đổi khi cần. Điều khiến chàng trai Hà Nội này cảm thấy vui là mọi người trong câu lạc bộ sinh hoạt như người thân trong ngôi nhà thứ hai. Tất cả mọi người đều quan niệm hiến máu là để giúp cho người thân và giúp cho chính mình.
Kiên tâm sự: Vì mạng xã hội có nhiều trang web, nhiều nhóm facebook nên loãng. Có tới 90% không phải nhóm máu hiếm hoặc khi có thông tin gì mọi người chia sẻ quá tràn lan, không có thông tin chuẩn xác, nhiều thông tin sai lệch hoàn toàn, khiến bọn em khó hỗ trợ cho người bệnh. Vì thế, em đã thành lập nhóm facebook riêng, giữ thành viên chất lượng nhất, có thông tin chính xác đã qua kiểm duyệt để dễ dàng huy động khi khẩn cấp.
“Với những người thuộc nhóm máu hiếm như em, khi rơi vào tình huống cấp cứu khẩn cấp nếu không có máu truyền kịp thời sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, mỗi thành viên trong câu lạc bộ chúng em đều ý thức được trách nhiệm của mình. Tham gia câu lạc bộ, tham gia hiến máu bất cứ khi nào cần là để giúp mọi người và cũng là giúp chính mình”, Kiên bày tỏ.
Đến nay, đã trải qua 15 lần hiến máu nhưng mỗi lần lại cho Kiên một cảm xúc khác nhau. Cảm xúc mạnh nhất là khi cứu sống được người bệnh bằng những giọt máu của chính mình. Nhớ lại một bệnh nhân bị tai nạn đánh cá ở biển Nghệ An cuối năm 2018 được cứu sống, Kiên vẫn hồi hộp vì khi đó chỉ còn 1 đơn vị máu ARh- (nhóm máu của bệnh nhân). Bệnh nhân đã phải truyền tạm nhóm máu ORh- để vận chuyển ra Bệnh viện Việt Đức.
Bệnh nhân trong tình trạng nặng phải trải qua 5-6 cuộc phẫu thuật mà máu thì chưa đủ. Lúc đó, các thành viên câu lạc bộ nhóm máu hiếm đã được huy động và hiến được 30 đơn vị máu ARh- cùng với nhiều đơn vị máu ORh-. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã phục hồi, trở về địa phương đã báo tin vui cho các thành viên khiến mọi người vô cùng vui sướng.
Với Kiên, được hiến máu cứu người chính là niềm vui và còn được “lợi” rất nhiều: “Trước khi hiến máu em gầy gò, mảnh khảnh, đến nay sau một thời gian em đã có cơ thể thế này. Em cảm thấy hiến máu như việc tái tạo nguồn máu của mình cho mình nguồn sinh khí mới. Sau mỗi lần hiến máu em cảm thấy khoẻ mạnh. Còn tinh thần thì sung sướng vì mang nguồn máu của mình hỗ trợ được cho người khác”.