Lấy cảm hứng từ cách hoạt động của bộ não, John Hopfield, giáo sư danh dự tại Đại học Princeton, Mỹ, và Geoffrey Hinton, giáo sư danh dự tại Đại học Toronto, đã xây dựng mạng nơron nhân tạo có khả năng lưu trữ và truy xuất ký ức như bộ não con người, đồng thời cũng có thể học hỏi từ thông tin được cung cấp.
Geoffrey Hinton, 76 tuổi, người thường được gọi với cái tên “cha đẻ của AI”, đã gây chú ý vào năm ngoái khi ông từ bỏ công việc tại Google và cảnh báo về những nguy cơ khi máy móc vượt trội con người.
Công trình tiên phong của các nhà khoa học này bắt đầu từ những năm 1980 và đã chứng minh rằng các chương trình máy tính sử dụng mạng nơron có thể trở thành nền tảng cho một lĩnh vực rộng lớn, mở đường cho nhiều tiến bộ như dịch ngôn ngữ nhanh và chính xác, hệ thống nhận diện khuôn mặt và AI tạo sinh, dựng nền tảng cho các chatbot như ChatGPT, Gemini và Claude.
John Hopfield, 91 tuổi, được vinh danh bởi thành tựu xây dựng "một bộ nhớ liên kết có thể lưu trữ và tái tạo hình ảnh cũng như các kiểu dữ liệu khác", trong khi Hinton đã phát minh ra một phương pháp "tự động phát hiện các thuộc tính trong dữ liệu", một đặc điểm quan trọng của các mạng nơron nhân tạo lớn hiện nay.
Năm 1982, Hopfield đã xây dựng một mạng nơron lưu trữ hình ảnh và thông tin khác dưới dạng các mẫu, bắt chước cách bộ não lưu giữ ký ức. Mạng này có thể gợi lại hình ảnh khi được đưa ra các mẫu tương tự, giống như việc ta có thể nhận diện một bài hát dù chỉ nghe trong thời gian ngắn ở một quán bar ồn ào.
Hinton sau đó đã phát triển nghiên cứu của Hopfield bằng cách kết hợp xác suất vào một phiên bản nhiều lớp của mạng nơron, tạo ra một chương trình có thể nhận diện, phân loại và thậm chí tạo ra hình ảnh sau khi được huấn luyện.
Được công bố bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm, những người chiến thắng sẽ được chia giải thưởng 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 24 tỷ đồng) vì những khám phá và phát minh nền tảng cho lĩnh vực Học máy với các mạng nơron nhân tạo.
Ellen Moons, Chủ tịch ủy ban Nobel Vật lý, cho biết: “Những mạng nơron nhân tạo này đã được sử dụng để thúc đẩy nghiên cứu trong các chủ đề vật lý đa dạng như vật lý hạt, khoa học vật liệu và vật lý thiên văn. Chúng cũng đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ví dụ như trong nhận diện khuôn mặt và dịch ngôn ngữ.”
Khi được hỏi về cách AI có thể ảnh hưởng đến thế giới, Hinton trả lời rằng: "Tôi nghĩ nó sẽ có tác động rất lớn. Nó sẽ tương đương với cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng thay vì vượt trội con người về sức mạnh thể chất, nó sẽ vượt trội con người về khả năng trí tuệ."
Hinton cho rằng có công nghệ thông minh hơn con người sẽ tuyệt vời ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như việc mang lại những cải tiến đáng kể trong chăm sóc sức khỏe, trợ lý kỹ thuật số tốt hơn và tăng năng suất đáng kể. "Nhưng chúng ta cũng phải lo ngại về một số hậu quả tiêu cực, đặc biệt là mối đe dọa từ việc những điều này vượt khỏi tầm kiểm soát," ông nói thêm. "Tôi lo ngại rằng hậu quả cuối cùng có thể là các hệ thống thông minh hơn chúng ta sẽ cuối cùng kiểm soát chính chúng ta."
Giáo sư Michael Wooldridge, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Oxford, cho biết giải thưởng phản ánh tác động sâu sắc mà AI đang có. "Giải thưởng này là dấu hiệu cho thấy AI đang biến đổi khoa học đến mức nào," ông nói. "Thành công của các mạng nơron trong thế kỷ này đã khiến việc phân tích dữ liệu trở nên khả thi theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng được. Không có lĩnh vực nào trong thế giới khoa học không bị ảnh hưởng bởi AI. Chúng ta đang ở trong một thời khắc đáng chú ý của lịch sử khoa học, và thật tuyệt vời khi thấy Viện Hàn lâm công nhận điều này."