Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành tim mạch trong và ngoài nước và thu hút hơn 200 khách mời, là các bác sĩ tim mạch, nội khoa, cấp cứu, bác sĩ nội trú tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các bác sĩ tham gia được nhận chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục (CME) do Bệnh viện Bạch Mai cấp sau hội nghị.
Các báo cáo khoa học tại hội nghị tập trung vào hai phần chính: Các bệnh lý mạch vành và suy tim; Tim mạch tổng quát và các bệnh lý cấu trúc tim.
GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. |
Theo GS. Đặng Vạn Phước, suy tim đến nay vẫn là một thách thức với y khoa khi vẫn còn chưa có nhiều tác động quan trọng để làm tiên lượng bệnh suy tim được cải thiện rõ rệt. Trong đó, khi điều trị một số tiến bộ trong điều trị các bệnh liên quan như cao huyết áp, đái tháo đường… đã mang lại hiệu quả cho điều trị suy tim. Trong thời gian tới, bệnh suy tim vẫn cần rất nhiều nghiên cứu, thuốc men, các biện pháp hỗ trợ thêm.
ThS.BS. Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV. |
Thời gian cấp cứu cho bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành và suy tim tại FV được rút ngắn đáng kể, góp phần quan trọng vào cứu sống bệnh nhân đồng thời hạn chế tối đa biến chứng. “Nếu theo quy định quốc tế, từ khi bệnh nhân mạch vành và nhồi máu cơ tim được đưa vào viện cấp cứu đến khi kết thúc ca phẫu thuật phải dưới 90 phút, thì Bệnh viện FV đặt tiêu chí cao hơn là 70 phút, trong nhiều trường hợp đã thực hiện cứu sống bệnh nhân trong vòng chưa đầy 25 phút. Sở dĩ chúng tôi có thể thực hiện được điều đó là nhờ bệnh viện FV đã xây dựng và triển khai nhuần nhuyễn quy trình cấp cứu tim mạch, thời gian bệnh nhân từ lúc có mặt tại phòng cấp cứu đến khi được đưa vào phòng Cathlab chỉ hơn 10 phút, và thời gian đặt stent diễn ra chưa đầy 25 phút”, bác sĩ Hồ Minh Tuấn cho biết.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó Giám đốc Viện tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai nhận định: “Hội nghị Tim mạch này là một sự kiện khoa học mà chúng tôi rất quan tâm. Sau đại dịch Covid-19, hôm nay chúng ta lại có thể gặp nhau để chia sẻ những kiến thức mới, những vấn đề mới về tim mạch trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tôi nhận thấy chương trình được chuẩn bị rất công phu với những bài giảng chuyên về tim mạch, giúp được nhiều cho các bác sĩ trong việc ứng dụng các kiến thức và kỹ thuật và khuyến cáo mới đang được triển khai trên toàn cầu.
Nói về sự hợp tác giữa hai bệnh viện để tổ chức Hội nghị lần này, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ: “Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện FV có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, hai bên từng phối hợp trong nhiều hoạt động khoa học, nghiên cứu, chia sẻ kiến thức. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới hai bệnh viện có nhiều hợp tác hơn nữa và đạt được nhiều hiệu quả tốt đẹp”.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài– Phó Giám đốc Viện tim mạch Quốc gia Bệnh viện Bạch Mai trình bày nội dung Siêu âm bệnh lý tim bẩm sinh ở người trưởng thành. |
Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, tim mạch là căn bệnh ngày càng phổ biến, chiếm tới 30% số bệnh nhân tử vong; chính vì vậy, ngành tim mạch là một trong những ngành được giới y khoa tập trung nghiên cứu và liên tục có những tiến bộ mới, từ phương tiện chẩn đoán bệnh, thuốc điều trị cho đến các phương pháp can thiệp… “Thông qua hội nghị lần này, Bệnh viện FV muốn tổng kết những thành tựu đã đạt được, cập nhật những kiến thức mới từ chính các bác sĩ thực hiện tại FV cũng như một số chuyên gia đầu ngành tại VN và trong khu vực. Các kiến thức này cũng chính là sự chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành tim mạch tại Việt Nam”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Các bác sĩ tham dự cũng bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị lần này sẽ đặt nền móng cho việc khởi tạo một hoạt động thường niên để các bác sĩ điều trị tim mạch có cơ hội trao đổi kiến thức, với mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho người bệnh: gia tăng khả năng cứu sống bệnh nhân, bệnh nhân sống lâu hơn và nâng cao chất lượng sống tốt.