Từ đầu năm 2022 đến ngày 5/10, dịch bệnh xảy ra tại ở 196/220 xã, phường, thị trấn của tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết đã ghi nhận là 1.370 ổ dịch, hơn 1.000 ổ dịch đã được khống chế.
Thành phố Pleiku là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết thứ 2 toàn tỉnh. Để hạn chế lây lan nguồn bệnh, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế thành phố Pleiku đã huy động nhân lực từ trạm y tế xã phường, các khoa chuyên môn khác phục vụ công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bệnh nhân Trương Thị Thúy Trang, phường Yên Thế, thành phố Pleiku cho hay, trong quá trình chữa trị bệnh sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, ngoài việc tiêm và cho dùng thuốc, các y, bác sỹ còn hướng dẫn bệnh nhân cách tiêu diệt lăng quăng, không để nước đọng quanh nhà, tránh nguồn lây bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế tỉnh Gia Lai nhận định, hiện trên địa bàn đang là mùa mưa, thuận lợi cho sự sinh sôi của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, tập quán tích trữ nước sinh hoạt của người dân, công tác vệ sinh môi trường, thu gom vật dụng phế thải chứa nước không đảm bảo là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, theo chu kỳ của bệnh sốt xuất huyết từ 3-5 năm sẽ có một năm bùng phát dịch, các năm bùng phát dịch gần nhất là 2016 (13.374 ca), năm 2019 (11.450 ca). Với số ca mắc ghi nhận từ đầu năm đến nay tại Gia Lai, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Do đó, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngăn ngừa nguồn bệnh như không để nước đọng, phát quang bụi rậm quanh nhà, ngành Y tế tỉnh Gia Lai khuyến cáo chính quyền, người dân cần có biện pháp phòng, chống quyết liệt, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát của sốt xuất huyết.