Việc thử nghiệm vaccine là một phần trong sáng kiến rộng hơn có tên gọi PrEPVacc, bắt đầu vào tháng 12/2020 với sự tham gia của hơn 1.500 người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-40 và dự kiến kết thúc vào năm 2024. Ngày 7/12, Pontiano Kaleebu, điều tra viên chính của chương trình, nêu rõ các dữ liệu độc lập và khuyến nghị của ủy ban giám sát an toàn đều kết luận rằng kể cả việc tiếp tục thử nghiệm cũng không thể chứng minh vaccine hiệu quả.
Mặc dù có những loại thuốc có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV và các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát virus và ngăn ngừa phát triển thành bệnh AIDS, song các chuyên gia cho rằng vaccine ngừa virus HIV sẽ là một giải pháp quan trọng trong việc khiến bệnh AIDS không còn là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng. Cuộc thử nghiệm do các nhà nghiên cứu châu Phi dẫn đầu với sự hỗ trợ từ các tổ chức khác nhau tại châu Âu như Đại học Hoàng gia London. Thử nghiệm bao gồm kiểm tra hai sự kết hợp khác nhau của các vaccine ngừa HIV. Các nhà khoa học cũng thử nghiệm một dạng mới của (PrEP) - loại thuốc giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV, để xem thuốc này có hiệu quả như các sản phẩm hiện nay không. Quy trình thử nghiệm này vẫn đang diễn ra.
Những người tham gia thử nghiệm chủ yếu đến từ các nhóm có nguy cơ cao như lao động tình dục, đồng tính nam và ngư dân. Thông báo ngày 6/12 của chương trình thử nghiệm nêu rõ cuộc thử nghiệm đã thất bại. Đây cũng là cuộc thử nghiệm duy nhất còn lại trên thế giới về hiệu quả của vaccine ngừa HIV, qua đó cho thấy thách thức trong việc phát triển một loại vaccine phòng HIV hữu hiệu.
Năm 2020, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi cũng đã chấm dứt một cuộc thử nghiệm khác, sau khi thử nghiệm vaccine trên hơn 5.000 người không đem lại kết quả.
Cho đến nay, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của 40 triệu người trên toàn cầu, trong khi có 39 triệu người đang phải chung sống với virus HIV này, chủ yếu tại châu Phi.