Miếu Làng Đán là một trong 14 điểm di tích, di sản của huyện Quản Bạ thuộc công viên địa chất toàn cầu UNESSCO cao nguyên đá Đồng Văn, được du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch tâm linh. Miếu Làng Đán được lập để thờ 5 vị thánh tăng Bồ tát. Theo bậc cao niên trong thôn Đông Tinh chia sẻ: “Tương truyền xưa kia, 5 vị thánh tăng này đã có công dẹp giặc ngoại xâm, cứu giúp dân làng, dạy người dân cách trồng lúa, chăn nuôi, lấy cây rừng làm thuốc chữa bệnh từ đó Nhân dân trong làng có cuộc sống ấm no hơn. Vì vậy ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm được xem như là ngày giỗ của Miếu”.
Trước đây, Miếu Làng Đán được trình tường bằng đất, khung nhà bằng gỗ, rộng 3 gian, mái lợp ngói âm dương. Do thời gian và những tác động của thời tiết, mưa gió, thiên tai nên ngôi miếu đã bị xuống cấp. Để bảo tồn nét văn hóa tâm linh của dân tộc, cấp ủy, chính quyền xã Quyết Tiến và người dân đã tôn tạo, sửa chữa lại miếu trên nền đất cũ. Ngôi miếu được nằm tách biệt trên một mô đất bằng phẳng với địa thế linh thiêng, đẹp, trang nghiêm; xung quanh Miếu được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ to, xanh ngát, tạo nên thế uy nghi của miếu.
Tại lễ hội, đã diễn ra phần rước lễ, dâng lễ tại ban thờ 5 vị thánh tăng để cầu cho người dân trong làng có một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bộ thu, làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào và may mắn. Tiếp đó, lễ hội đã diễn ra phần Hội với không khí sôi nổi của các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy...
Thực hiện Đề án số 16 ngày 16/6/2022 của BTV Huyện ủy Quản Bạ về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025, việc chuẩn bị lễ, rước lễ và dâng lễ tại Miếu Làng Đán đã được Nhân dân tại địa phương thực hiện tiết giảm các lễ vật cúng từ mổ nhiều gà, nhiều lợn xuống còn 01 con gà, 01 mâm hoa quả, 01 mâm tượng trưng đầu, chân của con lợn.
Kết thúc phần Lễ và phần Hội, Nhân dân tại 4 thôn Đông Tinh, Tân Tiến, Minh Tiến, Bó Lách đã cùng nhau ngồi lại trò chuyện vui vẻ, chia sẻ về cuộc sống, những cách làm hay trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cùng nhau ăn cơm để gắn kết tình đoàn kết trong Nhân dân của các thôn.