Giải thưởng được công bố tại Học viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển. Đây là lần thứ 106 giải Nobel Hóa học được trao tặng cho các nhà khoa học từ năm 1901 cho đến nay.
Giải thưởng Nobel Hóa học năm nay được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ Eric Betzig (làm việc cho Viện Y dược Howard Hughes), William E. Moerner (thuộc trường Đại học Stanford, Mỹ) và khoa học gia người Đức Stefan W. Hell (Viện Max Planck) với công trình chế tạo ra kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải, Ủy ban Nobel ngày 8.10 công bố, theo Reuters.
Chân dung ba nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học 2014. Ảnh: Reuters. |
Vài điều thú vị quanh giải Nobel Hóa học
- 105 giải Nobel Hóa học được trao từ năm 1901-2013
- 63 giải Nobel Hóa học được trao cho một chủ nhân duy nhất
- 4 phụ nữ nhận giải Nobel Hóa học
- 1 nhà khoa học Frederick Sanger nhận hai giải Nobel Hóa học, năm 1985 và năm 1980
- 35 tuổi là số tuổi người trẻ nhất nhận giải Nobel Hóa học- ông Frederic Joliot
- 85 tuổi là số tuổi người lớn nhất nhận giải Nobel Hóa học- ông John B.Fenn
- 58 tuổi là số tuổi trung bình của chủ nhân giải.
Đã từ lâu, kính hiển vi quang học có khá nhiều hạn chế vì không bao giờ cho ra hình ảnh độ phân giải tốt hơn một nửa bước sóng ánh sáng.
Trước đây, chưa bao giờ các nhà khoa học có thể nghiên cứu tế bào sống trong những chi tiết phân tử nhỏ bé nhất. Vào năm 1873, chuyên gia kính hiển vi Ernst Abbe đưa ra giới hạn vật lý về độ phân giải tối đa của kính hiển vi quang học truyền thống: đó là nó không bao giờ có thể nhìn thấy rõ hơn 0,2 micromet.
Với sự trợ giúp của các phân tử huỳnh quang, những nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2014 khéo léo vượt qua được những giới hạn này.
Thông qua kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải này (hay còn gọi là kính hiển vi nano), các nhà khoa học hình dung được quá trình mà các phân tử đơn lẻ bên trong các tế bào sống.
Họ có thể thấy được cách mà các phân tử tạo ra các khớp thần kinh giữa những tế bào thần kinh bên trong não.
Họ cũng có thể theo dõi được protein liên quan đến các bệnh như Parkinson, Alzheimer và Huntington khi chúng kết hợp lại, họ có thể lần theo các protein đơn lẻ trong trứng thụ tinh khi phân chia thành phôi thai.
Ngày nay, kính hiển vi nano được sử dụng rộng rãi trên thế giới và những kiến thức mới đem lại lợi ích tuyệt vời nhất cho nhân loại được phát hiện ra hàng ngày.
Giải Nobel Hóa học 2014 bao gồm một huy chương vàng, một bằng khen và số tiền trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,2 triệu USD). Giải thưởng sẽ được trao cho 3 nhà khoa học kể trên vào ngày 10/12 tới.
Hóa học là lĩnh vực thứ hai mà Alfred Nobel đề cập đến trong di chúc của mình. Vào năm 1901, giải Nobel Hóa học đầu tiên được trao cho nhà khoa học Jacobus H. van 't Hoff nhờ vào công trình nghiên cứu về tỷ lệ phản ứng, cân bằng hóa học và áp suất thẩm thấu.
Giải Nobel Hóa học là giải thứ ba được công bố trong mùa giải năm nay. Trước đó, chủ nhân giải Nobel Y học và Vật lý đã lần lượt được trao cho Phát minh ánh xanh của diode phát quang, tạo nguồn ánh sáng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng và Công trình nghiên cứu các tế bào cấu tạo hệ thống định vị trong não bộ ngày 6,7/10 vừa qua.