Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, là một thành phố văn minh, năng động của cả nước, nhưng tình trạng rải, đốt nhiều đồ mã, khóc thuê, múa hát ầm ĩ, để thi hài quá lâu... trong việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra khá phổ biến, gây mất vệ sinh môi trường, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn mà còn để lại hình ảnh không đẹp đối với du khách. Trong khi đó, công tác tuyên truyền và xử lý chưa hiệu quả một phần do quan niệm là tình làng nghĩa xóm, nghĩa tử là nghĩa tận.
Đáng nói hơn, con số thống kê về những thiệt hại không chỉ về vật chất mà cả tinh thần do hành vi rải, đốt vàng mã đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với người dân. Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM, riêng năm 2017 trên địa bàn thành phố có gần 10 vụ cháy do đốt vàng mã gây ra, làm chết 20 người và nhiều người bị thương.
Để phòng tránh những hậu quả nói trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề xuất cần có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ mai táng cũng như cam kết với người dân; sự lên tiếng của các cơ sở tôn giáo “Nói không với việc rải, đốt vàng mã”, chung tay xây dựng một thành phố văn minh và an toàn.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm vận động phật tử nói không với việc rải, đốt vàng mã |
Dưới góc nhìn tôn giáo và xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo (Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.HCM) Dương Hoàng Lộc nhận định, chủ trương kêu gọi người dân không rải, đốt vàng mã là một kiến nghị nhân văn vì xã hội và cộng đồng. Trên thực tế, tuy khó thực hiện nhưng điều gì mang lại lợi ích cho cộng đồng, có ý nghĩa nhân văn thì dần dần sẽ đi vào cuộc sống.
Theo ông Lộc, công tác dân vận và tuyên truyền được thực hiện khéo, đúng chỗ và đúng đối tượng thì sẽ “thấm” và được xã hội đón nhận. Ở đây, việc đốt vàng mã thuộc về vấn đề văn hóa, tập tục truyền thống lâu đời, vì thế việc vận động người đứng đầu các cơ sở, tổ chức tôn giáo cùng tham gia tuyên truyền người dân thấy việc đốt vàng mã không có trong chủ trương của đạo giáo, và không phù hợp với lối sống văn minh hiện nay thì dễ đi vào từng gia đình.
Hướng dẫn người dân thay vì đốt vàng mã trong tang ma thì hãy sử dụng số tiền đó vào việc giúp đỡ cho hộ nghèo trên địa bàn, hoặc giới thiệu những mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ để biến đau thương thành việc làm có đức, mang ý nghĩa thiết thực cho xã hội, cộng đồng và với cả bản thân gia đình.
Từ kinh nghiệm thực tế hơn 20 năm kiên trì, vận động bà con phật tử gần xa nói không với hành vi rải, đốt vàng mã, tiết kiệm hàng tỉ đồng chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (phường 8, quận 11) chia sẻ: Trong tất cả kinh sách của Đức Phật dạy không có ý nào khuyên phật tử đốt giấy tiền hay vàng mã. Theo triết lý đó, hơn 20 năm qua nhà chùa cũng nói không với hành vi trên. Ban đầu trong chùa còn để bảng “Không đốt vàng mã” để vận động bà con phật tử, nay không cần để bảng thông báo, phật tử đến chùa vẫn biết nơi đây không có chủ trương đốt vàng mã.
Với triết lý vận động “Không dùng tiền thật đổi lấy tiền, đồ giả”, nhà chùa và gia đình phật tử đã tiết kiệm được hàng tỉ đồng giúp đỡ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền của đất nước. Thượng tọa Thích Duy Trấn bày tỏ tin tưởng, những việc làm mang lại nhiều điều tốt đẹp cũng như sự bình an cho cuộc đời, nếu kiên trì vận động thì sẽ thành hiện thực. Điển hình như việc cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đến nay đã được toàn dân nghiêm chỉnh thực hiện.
Tại TP.HCM cũng xuất hiện nhiều cơ sở tôn giáo và những gương điển hình vận động bà con phật tử nói không với hành vi vừa tốn tiền, vừa không phù hợp xã hội hiện đại. Tiêu biểu như sư cô Thích Nữ Huệ Đức ở Quan Âm Tu viện (quận Phú Nhuận), hay như Hòa thượng Thích Chơn Không, trụ trì chùa Thiên Tôn (quận 5)… nhiều năm qua, vẫn miệt mài với việc vận động mọi người nói không với thói quen mang tính mê tín dị đoan. Dần dần loại bỏ những tập tục truyền thống không còn phù hợp trong đời sống hiện đại.
Từ kinh nghiệm của những cách làm nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con phật tử, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, bên cạnh việc tuyên truyền người dân loại bỏ hành vi rải, đốt vàng mã thì đồng thời cần có chính sách hỗ trợ các hộ dân mưu sinh bằng nghề sản xuất vàng mã chuyển đổi ngành nghề. Vấn đề không chỉ ở chỗ có cầu thì mới có cung, đó còn là kế sinh nhai, cuộc sống của mỗi gia đình.
Theo bà Châu, việc hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn thành phố là không khó, cái chính là các đoàn thể cần hướng dẫn, giải thích cũng như động viên người dân đồng ý chuyển đổi ngành nghề đó mới là giải pháp quan trọng. Vì vậy, Mặt trận và các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hết sức khéo léo, linh hoạt và mềm dẻo, tránh làm tổn thương đến gia đình khi hữu sự. Vận động để người dân thấy rằng đó là việc không văn minh, không nên làm thì mới thay đổi được ý thức, hành vi của người dân. Đặc biệt, vừa vận động vừa có giải pháp hiệu quả thì dân mới tin và thực hiện theo.
Đề nghị xử phạt cơ sở dịch vụ mai táng rải tiền vàng mã trên đường
Ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng VHTT thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND thành phố xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở dịch vụ mai táng L.L ở thành phố Vũng Tàu do có hành vi rải rác sinh hoạt (vàng mã) trên vỉa hè, đường phố trong khu vực đô thị. Theo ông Việt, hiện trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có 6 cơ sở làm dịch vụ mai táng. Tháng 3.2018, các chủ cơ sở, trong đó có cơ sở L.L đã ký cam kết về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tang lễ.
Ngày 11.10 vừa qua người dân đã gửi hình ảnh phản ánh về Phòng VHTT thành phố Vũng Tàu về việc có một đám hiếu trên địa bàn phường 3 do cơ sở dịch vụ mai táng L.L làm dịch vụ đã rải rất nhiều giấy tiền vàng mã trên đường. Sau khi nhận được thông tin, Phòng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng mời đại diện cơ sở dịch vụ mai táng L.L lên làm việc. Tại buổi làm việc, UBND phường 3 cho biết trong thư chia buồn gửi đến gia đình có đám hiếu, UBND phường đã khuyến cáo thực hiện văn minh trong đám tang, không xả rác ra môi trường.
Cũng theo ông Việt, căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 20, NĐ 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vi phạm của cơ sở dịch vụ mai táng sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng do vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Trên cơ sở đó, Phòng VHTT đề xuất xử phạt cơ sở dịch vụ mai táng L.L 6 triệu đồng.