Thực tế, từ đầu thế kỷ XXI, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 6 cm. Đây đã là con số khiến các nhà khoa học trên thế giới bày tỏ quan ngại sâu sắc vì hiệu ứng nhà kính vẫn là bài toán hóc búa chưa có lời giải triệt để của con người.
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu cố gắng hạn chế ở mức vừa phải liên quan đến vấn đề ô nhiễm khí thải trong không khí thì mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng dao động từ 42cm năm 2100 đến 164cm vào năm 2150. Đặc biệt, con số này tăng lên từ và 182cm đến 426cm vào năm 2300.
Với 11% trong số 7,6 tỷ người trên thế giới sinh sống ở các khu vực thấp so với mực nước biển thì con số này thực sự vô cùng đáng lo ngại khi nước biển dâng cao sẽ gây nguy cơ thiệt hại lớn cho các khu vực ven biển, cơ sở hạ tầng và các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Trước những cảnh báo vô cùng đáng ngại từ mực nước biển dâng, băng hai cực tan ra nhanh hơn, các nhà khoa học đang nghiên cứu một loạt các phương pháp để cứu vãn tình thế.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của các nhà khoa học, một thực tế hoàn toàn có thể xảy ra đó là từ năm 2000 đến năm 2050, mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 15 đến 25cm.
“Sự thay đổi, chênh lệch mực nước biển trong quá khứ và tương lai, nhiều dự đoán có thể ở mức tham khảo và không ai dám chắc chắn 100%. Nhưng sự thật là chúng ta không thể bỏ qua thách thức rất lớn này”, giáo sư Robert E. Kopp, giáo sư Khoa Trái đất và Khoa học hành tinh tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết.
Theo một thông tin mới nhất, các nhà khoa học hiện tại đã sử dụng các nghiên cứu điển hình từ Atlantic City, New Jersey, và từ Singapore để thảo luận nhằm tìm ra phương pháp tốt nhất tái tạo sự thay đổi mực nước biển trong quá khứ và tìm cách xử lý tình huống trong tương lai.