Nhiều biến động
Theo nghiên cứu của PGS-TS Đoàn Văn Cánh và TS Ngô Tuấn Tú, tổng tài nguyên nước dưới đất dự ước tích chứa trong các tầng chứa nước cho 27 năm khai thác khu vực Nam Trung Bộ và tổng lượng bổ cập tự nhiên vào khoảng hơn 7,7 triệu m3/ngày.
Trong mọi điều kiện địa chất thủy văn, trữ lượng có thể khai thác được hình thành từ tổng tài nguyên nước dưới đất, trong khi đó tổng lượng khai thác không được vượt quá trữ lượng khai thác an toàn và trữ lượng khai thác an toàn không lớn hơn tổng lượng bổ cập tự nhiên và trữ lượng cuốn theo.
PGS-TS Đoàn Văn Cánh - Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho biết: “Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất các đồng bằng ven biển khu vực Nam Trung Bộ có thể lấy bằng 30% tổng tài nguyên tức là vào khoảng hơn 2,3 triệu m3/ngày”.
Theo nhiều chuyên gia tham dự hội thảo khoa học “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia KC.08/16-20 (vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng), đây là con số khá khiêm tốn và khiến cộng đồng nhất là người nông dân trong khu vực thiệt thòi so với các vùng khác.
Hiện tại, tổng lượng nước dưới đất đang được khai thác toàn khu vực Nam Trung Bộ vào khoảng 287 nghìn m3/ngày (tương đương 12,3% trữ lượng có thể khai thác).
Điều tiết nước hợp lý
Miền Trung là khu vực có sự hạn chế về tài nguyên nước, thế nhưng các chuyên gia nhìn nhận là từ trước đến nay có rất ít chương trình khảo sát toàn diện về tài nguyên nước khu vực này.
Vào năm 2014, Bộ TNMT bắt đầu triển khai một số mạng quan trắc mực nước tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó Đà Nẵng có 5 điểm khoan, Quảng Nam có 23 điểm khoan… Nước dưới đất ở vùng này được xem có biến động mạnh mẽ nhất, đặc biệt là các địa điểm khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường ở những khu vực rộng lớn với các tác động rõ rệt như: Ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học, sa mạc hóa, phá vỡ chu kỳ thủy văn…
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực cũng khiến tài nguyên nước ngầm bị ảnh hưởng đáng kể. Theo PGS-TS Đoàn Văn Cánh, ở những địa phương có nhiều khu du lịch, resort xây dựng ở dải cát ven biển nên khuyến cáo các đơn vị này không nên bêtông hóa không gian, bởi nếu như vậy thì lượng lớn nước mưa sẽ không thu gom xuống đất mà chảy tràn ra biển rất lãng phí.
GS Lê Sâm (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho rằng: “Việc nghiên cứu mặn xâm nhập đến tầng nước ngầm như thế nào để điều tiết lượng nước hợp lý nhằm tránh nhiễm mặn cho cây trồng khi tưới tiêu rất quan trọng”.