Đó chỉ là một vài ví dụ của tổng số tiền 11,8 triệu USD mà các công ty nước ngọt có ga và các nhà vận động hành lang cho họ bỏ ra chỉ riêng tại bang California (Mỹ) trong hai năm qua nhằm ngăn cản những dự luật yêu cầu tăng thuế và dán nhãn cảnh báo nguy cơ sức khỏe đối với đồ uống có đường.
“Họ là thế lực có ảnh hưởng ghê gớm tại nghị viện”, nghị sĩ đảng Dân chủ Bill Monning nhận xét. “Chúng ta không thể đánh giá thấp quyền lực của họ”.
Nếu một công ty muốn ủng hộ đường lối và mục tiêu của tôi, tôi sẵn lòng nhận sự ủng hộ đó... Nhưng họ không có ảnh hưởng nào đến việc tôi đại diện người dân và đưa ra những quyết định về chính sách”.
Nghị sĩ Monning không nhận những khoản tiền tài trợ từ các công ty nước giải khát. Ông cũng đã nhiều lần nỗ lực đề xuất các dự luật đánh thuế đồ uống có đường ở California cũng như dán nhãn cảnh báo nguy cơ sức khỏe lên bao bì. Ông là một trong những người lên tiếng chỉ trích quyết liệt nhất vào năm ngoái, khi các công ty nước ngọt ngăn chặn thành công việc thông qua thuế đánh vào nước ngọt có ga tại bang này.
Phẫn nộ với chiến lược gây áp lực của ngành sản xuất nước ngọt có ga, nghị sĩ Morning cùng một số nhà lập pháp khác đã đề xuất một gói dự luật nhằm thắt chặt việc quản lý loại đồ uống mà họ cho rằng đang gây ra bệnh tiểu đường và béo phì. Nhiều biện pháp được đưa ra, bao gồm cả việc đánh thuế các nhà phân phối đồ uống có đường ở mức gần 70 xu một lít.
Một số bang khác của Mỹ như Connecticut, Massachusetts, New York, Rhode Island và Vermont cũng đang cân nhắc việc đánh thuế đồ uống có đường. Ít nhất 4 bang đã đánh thuế nước ngọt có ga theo thể tích hoặc giá bán.
Một báo cáo phân tích của Quỹ Chăm sóc Sức khỏe California cho thấy trong hai năm 2017 và 2018, cứ 10 nghị sĩ California thì có tới 9 người đã nhận các khoản đóng góp tranh cử, quà tặng hoặc quyên góp từ thiện từ Hiệp hội Nước giải khát Hoa Kỳ ABA hoặc hai tập đoàn Coca-Cola và Pepsi - vốn là ba tổ chức chi trả mạnh tay nhất cho hoạt động vận động hành lang.
Ngành nước giải khát, cũng như các nhóm lợi ích khác, bỏ tiền ra để gây ảnh hưởng lên các nhà lập pháp theo nhiều cách khác nhau: Họ bỏ ra những khoản đóng góp tài chính cho các chiến dịch vận động tranh cử, tài trợ cho các buổi tiệc tùng, sự kiện hoặc các chuyến ngao du. Ngành nước giải khát cũng quyên góp cho các tổ chức từ thiện dưới danh nghĩa của các nghị sĩ.
“Họ đã sao chép cách làm của ngành thuốc lá để bảo vệ cho sản phẩm của mình khỏi sự chỉ trích, phản bác lại các nghiên cứu khoa học, vận động hành lang trong hậu trường, làm tất cả những điều mà các ngành sản xuất ra các sản phẩm độc hại thường làm”, Giáo sư dinh dưỡng Marion Nestle thuộc Đại học New York cho biết.
ABA lập luận rằng việc đánh thuế cao vào nước ngọt có ga sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế.
“Điều quan trọng là các nhà lập pháp phải nhận thấy những đóng góp từ sản phẩm của chúng tôi vào nền kinh tế địa phương, không chỉ hàng triệu USD tiền thuế mà còn là việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động California”, Phó Chủ tịch ABA William Dermody nói.
Tác động lên chính sách
Đối với ngành nước giải khát, hai năm 2017 và 2018 là những năm rất tốn kém.
Bởi trong khi nhiều thành phố của California đề xuất và áp dụng tăng thuế với đồ uống có đường, các công ty nước giải khát chỉ trong năm ngoái đã bỏ ra gần 9 triệu USD để mở chiến dịch vận động bỏ phiếu toàn tiểu bang cho một chính sách nhằm “làm khó” các thành phố trực thuộc tiểu bang bằng việc đề xuất và áp dụng các loại thuế mới không chỉ với mặt hàng nước giải khát. Nhà tài trợ cho nỗ lực này là ABA, với các khoản đóng góp chính đến từ Coca-Cola và Pepsi.
Lo ngại rằng cuộc bỏ phiếu này nếu diễn ra sẽ gây trở ngại cho các chính sách thuế của địa phương trong tương lai, các nhà lập pháp đã chấp nhận không tăng thuế nước ngọt có ga cho tới năm 2031 nếu ngành nước giải khát đồng ý rút lại đề xuất này.
“Tôi không cho rằng với động thái này, các công ty nước giải khát đã giữ được thiện cảm trong nghị viện California”, nghị sĩ đảng Dân chủ Lorena Gonzalez cho biết. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, nghị sĩ này đã nhận 11.000 USD đóng góp vận động tranh cử từ các công ty nước giải khát và đã đứng về phía các công ty này khi bỏ phiếu chống lại dự luật dán nhãn bắt buộc và tăng thuế đối với nước giải khát có đường. Lý do mà bà đưa ra là thuế nước ngọt có ga là “lạc hậu” và sẽ gây hại đến người nghèo.
Tặng quà các nghị sĩ
Các khoản tiền vận động hành lang của các công ty nước giải khát thường được giải ngân thông qua các công ty vận động hành lang của các cựu nhân viên chính quyền - những người có nhiều mối quan hệ với chính quyền và hiểu đường đi nước bước để gây tác động lên các nhà lập pháp.
Hồi tháng 12 năm 2017, ABA đã bỏ ra 379 USD để trả một phần hoá đơn bữa tối của 8 nghị sĩ tại một nhà hàng xa xỉ ở Maui. Hiệp hội cũng tài trợ vé và ăn uống cho 11 nhân viên nghị viện xem trận đấu bóng rổ của đội Sacramento Kings với giá từ 163 đến 326 USD một người. ABA cũng bỏ ra ít nhất 3747 USD để mời ít nhất 92 nghị sĩ và khách mời của họ dự một buổi chiếu phim đặc biệt đầu năm 2018.
Khi được hỏi lý do dự buổi chiếu phim này, nghị sĩ đảng Dân chủ Sabrina Cervantes cho biết bà muốn bày tỏ “sự ủng hộ đối với nghệ thuật và sự đa dạng của điện ảnh”.
Nhưng khoản chi tiêu vận động hành lang lớn nhất của ABA phải kể đến 250.000 USD tài trợ cho Quỹ Lễ tân California, nơi tài trợ chi phí đi lại cho cựu Thống đốc California Jerry Brown.
Nhân danh từ thiện
Trong khi có những giới hạn nhất định đặt ra cho giá trị quà tặng mà các nghị sĩ có thể nhận, các công ty nước giải khát cũng tìm cách tạo ảnh hưởng lên họ bằng cách nhân danh họ để tặng những khoản tiền kếch sù cho các quỹ từ thiện. Những khoản đóng góp này được gọi là “chi trả theo chỉ thị” và ngành nước giải khát đã bỏ ra gần 100.000 USD để làm từ thiện nhân danh các nghị sĩ trong hai năm 2017 và 2018.
Năm ngoái, một nhà phân phối nước ngọt có ga Coca-Cola tại khu vực dân cư nơi nghị sĩ Gonzalez làm đại diện đã đóng góp 10.000 USD cho Ngân hàng Thực phẩm San Diego dưới danh nghĩa của bà - một khoản đóng góp mà bà Gonzalez cho biết đã không hề biết tới.
Nhưng trong nhiều trường hợp, các nghị sĩ chủ động đi tìm kiếm nguồn đóng góp. Khi nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Gray đề nghị hiệp hội nước giải khát tài trợ cho hội nghị hàng năm của hội đồng lập pháp các tiểu bang, tổ chức này đã đóng góp 25.000 USD nhân danh ông. Nghị sĩ Gray lập luận rằng là một đại biểu tham gia hội nghị, ông có trách nhiệm tìm kiếm nguồn tài trợ và những khoản tài trợ này sẽ không tác động tới các quyết định của ông trên nghị trường. Ông Gray đưa ra dẫn chứng rằng hãng công nghệ Google cũng đã tài trợ 100.000 USD cho hội nghị, nhưng ông đã bỏ phiếu thông qua luật quyền riêng tư mà hãng này phản đối.
“Nếu một công ty muốn ủng hộ đường lối và mục tiêu của tôi, tôi sẵn lòng nhận sự ủng hộ đó”, nghị sĩ Gray nói. “Nhưng họ không có ảnh hưởng nào đến việc tôi đại diện người dân và đưa ra những quyết định về chính sách”.
Tài trợ các chiến dịch tranh cử
Cách thức trực tiếp nhất mà các nhóm lợi ích sử dụng để gây ảnh hưởng tới tiến trình chính trị là đóng góp tài chính cho các chiến dịch, các đảng phái chính trị và các nhóm nghị sĩ trong nghị viện.
Bên cạnh việc bỏ ra gần 9 triệu USD vận động cho cuộc bỏ phiếu quy mô toàn bang, ABA, Pepsi và Coca-Cola cũng đã tài trợ hơn 1 triệu USD cho các hoạt động chính trị khác tại tiểu bang trong 2 năm vừa qua.
Hầu hết các nghị sĩ đều nhận được các khoản tài trợ tranh cử từ ABA, Coca-Cola hoặc Pepsi - thậm chí là từ cả ba nơi.
Người phát ngôn của Coca-Cola cho biết, công ty này lựa chọn các nghị sĩ để tài trợ dựa trên các tiêu chí: vai trò của họ trong các uỷ ban nghị viện, nhóm chính trị, vị trí lãnh đạo và khu vực nơi họ đại diện có đặt nhà máy Coca-Cola hay không.
Nhưng đối với những nghị sĩ như ông Monning, ngành nước giải khát không phải một thế lực ủng hộ mà là một đối thủ đáng gờm. Rất nhiều nghị sĩ cho ông biết rằng họ không thể bỏ phiếu cho những dự luật có khả năng ảnh hưởng đến doanh số bán nước ngọt bởi lý do tại khu vực dân cư do họ đại diện có một doanh nghiệp phân phối.
Bên cạnh khoản thuế đánh lên nước ngọt có ga trong phạm vi toàn bang, các dự luật được California cân nhắc trong năm nay bao gồm việc dán nhãn cảnh báo nguy cơ sức khoẻ từ đồ uống có đường, và ngăn không cho các công ty nước giải khát đưa ra các khoản khuyến mại, chiết khấu cho các nhà bán lẻ nhằm tăng doanh số. Những dự luật này cũng sẽ cấm các nhà bán lẻ không được bán chai nước ngọt cỡ đại và cấm bày sản phẩm ở quầy thanh toán.
Trong khi các nhà lập pháp cân nhắc thông qua những dự luật này, thì nghị sĩ Monning cho rằng câu hỏi đặt ra không có gì phức tạp.
“Nghị sĩ đại diện cho ngành nước ngọt có ga, hay đại diện cho những đứa trẻ đang ngày một sa sút sức khoẻ trong khu vực dân cư của anh?”.