Nuốt nước miếng với món cua đá dậy mùi, béo ngậy ở Cù Lao Chàm
Giữa một vùng mênh mông biển xanh cát trắng gió lộng mùa hè, thưởng thức món cua đá, thêm vài cọng rau rừng do những người dân dậy từ sáng sớm hái về, bỗng muốn nói lời cảm ơn sự diệu kỳ của tạo hóa.
Người ta mách nhau rằng, ra Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) nếu chưa thưởng thức được món cua đá thì xem như chưa hiểu hết về ẩm thực xứ đảo này.
Cua đá được những cư dân địa phương bày bán ngay tại bến cầu cảng của bãi làng. Tại đây có đủ các loại đặc sản của miền biển đảo Cù Lao Chàm. Những con cua đá rắn chắc được nhốt trong những chiếc lồng sắt.
Cua đá có thịt béo ngậy và đầy gạch, càng cua rất to. Khác với cua biển và ghẹ, cua đá chắc gạch 100%. Người ta gọi là cua đá vì nó sống trên các hang đá trên núi.
Nếu không quen ăn, thực khách có thể bị “say” gạch. Cua lớn có trọng lượng đến 300-400g/ con, cua nhỏ thì trọng lượng cỡ 100g/ con.
Giở ngược cái mai cua, túm mấy chân xé một đường, con cua mới luộc còn hơi nóng, phả làn khói nhẹ từ phần thịt nằm dưới mai cua, xông lên mũi phảng phất đâu đó chút the the, cay cay mùi thảo dược, đem lại cho người ăn cảm giác cứ như đang hít hơi của nồi xông giải cảm.
Theo người dân ở đây, cua đá rửa sạch rồi để nguyên con chế biến, ăn sẽ ngon hơn. Đơn giản nhất là nướng và hấp bia, phức tạp một chút thì xào me, cháy tỏi. Chất lượng thịt và gạch của cua đã đủ để làm nên độ ngon, không cần phải chế biến nhiều. Cua đá có màu tím; khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng.
Cua có vị thịt ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Từ cái nước luộc cua đã đượm vị ngọt nhẹ, dịu thanh, thịt cua dai hơn hẳn cua biển, cua đồng, không chút mùi tanh. Nhưng cái độc chiêu nhất khi thưởng thức cua đá, đó là hương thơm kỳ lạ.
Có thể chế biến bằng cách đốt đống lửa to, đợi khi than củi rã ra là ta cho từng con cua lên nướng. Nướng kiểu này không có gia vị nhưng khi con cua chín có mùi thơm ngầy ngậy.
Cua hấp sả cũng là một món ngon tuyệt. Món này phải làm số lượng nhiều và có nhiều người cùng ăn mới... khí thế. Sau khi hấp chín, con cua có màu đỏ tươi, hương sả thơm ngào ngạt.
Chiều hè trên bãi biển, cua đá mới được bắt về, vẫn còn chắc khỏe, mang ra chế biến những món khoái khẩu thì còn gì bằng. Cua đá rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ lú đầu khỏi hang khi đêm xuống để đi ăn. Đó cũng là lúc những cư dân trên đảo đi săn cua đá.
Cua đá xứ cù lao Chàm bắt không đủ bán cho khách nên thường từ lúc bắt đến lúc chế biến chỉ trong vòng một vài giờ, cua rất tươi ngon.
Giữa một vùng mênh mông biển xanh cát trắng gió lộng mùa hè, thưởng thức món cua đá, thêm vài cọng rau rừng do những người dân dậy từ sáng sớm hái về, bỗng muốn nói lời cảm ơn sự diệu kỳ của tạo hóa
Thưởng thức cua đá vừa ngon vừa lạ miệng, cộng thêm cái hiu hiu của gió biển hoà cùng cảnh vật trời mây sóng nước, khiến cho cái thi vị trong từng miếng thịt cua xứ cù lao càng tăng lên bội phần.
Đi Cù Lao Chàm rất dễ, ở Hội An, có rất nhiều nơi bán tour đi
Cù Lao Chàm, tùy vào việc chọn lựa đi canô hay tàu gỗ mà giá cả khác nhau. Sáng 8h xuất phát, chiều 2h tàu về nhằm tránh mưa dông hay gió chiều. Ai thích thú muốn ở lại qua đêm thì có thể mua tour qua đêm.