Phát biểu với cộng đồng người Pháp sống tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, ông Macron tuyên bố: “Chúng ta chắc chắn đang đến gần một thời điểm ở châu Âu, nơi mà việc không trở thành kẻ hèn nhát là điều thích hợp”.
Ông Macron đã vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều đồng minh phương Tây sau khi ông công khai thảo luận về ý tưởng gửi lực lượng của NATO tới Ukraine hôm 26/2.
Đề cập đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ông Macron nói rằng Pháp và Cộng hòa Séc "nhận thức rõ rằng chiến tranh đang quay trở lại trên đất của chúng ta, rằng một số cường quốc vốn đã trở nên không thể ngăn cản đang gia tăng mối đe dọa tấn công mỗi ngày".
"Chúng ta sẽ phải sống theo lịch sử và lòng can đảm mà lịch sử đòi hỏi", Tổng thống Pháp tuyên bố.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các cách để Liên minh châu Âu thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí chuyển sang "chế độ kinh tế chiến tranh".
Ông Thierry Breton, ủy viên Thị trường nội bộ châu Âu, sẽ đưa ra các đề xuất nhằm khuyến khích các nước EU cùng nhau mua thêm vũ khí từ các công ty châu Âu và giúp các công ty này tăng năng lực sản xuất.
“Chúng ta cần thay đổi mô hình và chuyển sang chế độ kinh tế chiến tranh. Điều này cũng có nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn với sự hỗ trợ của chúng tôi”, ông Breton chỉ ra.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy nhiều nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, các quan chức EU cho rằng những nỗ lực thuần túy của từng quốc gia sẽ kém hiệu quả hơn và muốn các cơ quan EU đóng vai trò lớn hơn trong chính sách công nghiệp quốc phòng.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy rõ ràng rằng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chưa chuẩn bị tốt cho một số thách thức lớn, chẳng hạn như nhu cầu tăng đột ngột về số lượng lớn đạn pháo.