Truyền thông Nga tuần trước đã công bố một đoạn ghi âm cuộc họp của các quan chức quân sự cấp cao của Đức để thảo luận về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine và khả năng tấn công của quân đội Ukraine vào một cây cầu ở Crimea.
Đức đã xác nhận tính xác thực của đoạn băng ghi âm dài 38 phút, cho biết họ đang điều tra cái mà họ gọi là hành động nghe lén rõ ràng của Nga vốn là một phần của "cuộc chiến thông tin".
Những người tham gia cuộc họp đã thảo luận về khả năng chuyển tên lửa hành trình Taurus tới Kyiv, điều mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho đến nay đã công khai kiên quyết bác bỏ. Họ cũng thảo luận về cách Pháp và Anh cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine.
Mặc dù cho đến nay có rất ít phản ứng của công chúng từ các đồng minh châu Âu đối với đoạn băng ghi âm, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó có thể làm căng thẳng mối quan hệ vì đây là một vi phạm an ninh lớn khác và cho thấy mức độ miễn cưỡng của Đức khi tham gia quá nhiều vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Người phát ngôn của chính phủ Đức hôm thứ Hai cho biết: “Cuộc tấn công hỗn hợp này nhằm mục đích tạo ra sự bất an và chia rẽ chúng ta. Và đó chính xác là điều chúng tôi sẽ không cho phép. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các đối tác của mình."
Điện Kremlin hôm thứ Hai khẳng định đoạn ghi âm cho thấy các lực lượng vũ trang Đức đang thảo luận về kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga và đặt câu hỏi liệu chính quyền Thủ tướng Scholz có kiểm soát được tình hình hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Bản thân đoạn ghi âm nói rằng trong nội bộ Bundeswehr (quân đội Đức), kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đang được thảo luận một cách thực chất và cụ thể”.
"Ở đây chúng ta phải tìm hiểu xem Bundeswehr có chủ động thực hiện việc này hay không. Câu hỏi đặt ra là: Bundeswehr có thể kiểm soát được đến mức nào và ông Scholz kiểm soát tình hình ở mức độ nào? Hay đó là một phần trong chính sách của chính phủ Đức?", ông Peskov nói.
Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết Điện Kremlin hôm thứ Hai đã triệu tập đại sứ Đức để yêu cầu giải thích về các cuộc thảo luận quân sự.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức phủ nhận việc Nga triệu tập đại sứ, nói rằng cuộc gặp của đại sứ Đức tại Bộ Ngoại giao Nga đã được lên kế hoạch từ lâu.
Đây là lần thứ hai trong tuần qua chính quyền Moscow công bố những gì họ coi là bằng chứng cho thấy phương Tây có ý định tấn công trực tiếp vào Nga.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Năm tuần trước rằng các nước phương Tây có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu họ gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.