Những diễn biến chính trị nhanh chóng diễn ra sau quyết định gây sốc của Macron về việc giải tán quốc hội và triệu tập một cuộc bầu cử sớm trong vài tuần nữa. Cuộc bỏ phiếu có thể trao lại quyền lực thực sự cho phe cực hữu của bà Le Pen sau nhiều năm đứng bên lề chính trường Pháp.
Trong bài phát biểu tranh cử, ông Macron hôm thứ Tư đã bảo vệ quyết định kêu gọi bỏ phiếu sớm và kêu gọi các đảng ở cả hai phe trung dung đứng về phía ông trong cuộc chiến chống lại cánh hữu trong cuộc bầu cử ngày 30/6 và ngày 7/7.
Ông Macron, người loại trừ khả năng từ chức nếu liên minh cầm quyền của ông thua cuộc, đã kêu gọi "đồng bào và các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, những người không nhận ra mình trong cơn sốt cực đoan" hãy "xây dựng một dự án mới một liên minh để quản trị".
Trong một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn chính trị mà quyết định của Tổng thống Macron đã gây ra, ban lãnh đạo đảng Cộng hòa hôm thứ Tư đã quyết định sa thải người đứng đầu đảng của họ, ông Eric Ciotti. Trên mạng xã hội, ông Ciotti tuyên bố mình vẫn là chủ tịch đảng Cộng hòa.
Vị này trước đó đã kêu gọi thành lập một liên minh bầu cử giữa các ứng cử viên của đảng Cộng hòa với đảng RN của bà Le Pen.
Ông Macron mô tả việc hai đảng này liên minh là một "thỏa thuận với ma quỷ". Nó sẽ chấm dứt sự đồng thuận chính trị chính thống kéo dài hàng thập kỷ nhằm ngăn chặn phe cực hữu nắm quyền.
Một cuộc thăm dò của Elabe hôm thứ Tư cho thấy đảng RN dự kiến sẽ giành được 31% phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc vòng đầu tiên vào ngày 30/6, trong khi liên minh cánh tả sẽ nhận được 28% phiếu bầu. Liên minh trung dung của ông Macron được cho là chỉ giành được 18%.
Các nhà bình luận chính trị cho rằng cuộc chiến giữa phe cực hữu và cánh tả sẽ quyết định ai sẽ đứng đầu trong cuộc bầu cử quốc hội, kết quả sẽ có sau vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 7/7.
Nếu RN giành được đa số trong quốc hội, ông Macron sẽ vẫn là tổng thống thêm 3 năm nữa và lãnh đạo chính sách quốc phòng và đối ngoại, nhưng sẽ mất quyền kiểm soát chương trình nghị sự trong nước, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, nhập cư và tài chính.
Tổng thống Macron cho biết ông không hối hận khi kêu gọi bỏ phiếu sớm, nói rằng các chính sách của RN sẽ gây khó khăn người lao động và người về hưu.
“Tôi không muốn trao chìa khóa quyền lực cho phe cực hữu vào năm 2027, vì vậy tôi hoàn toàn chấp nhận việc đã kích hoạt một phong trào để làm rõ vấn đề”, nhà lãnh đạo 46 tuổi tuyên bố.
Lời kêu gọi tranh cử của ông Macron dù vậy không nhận được sự hưởng ứng từ chính các thành viên cấp cao trong đảng Phục hưng của ông.
Edouard Philippe, cựu Thủ tướng Pháp và là người kế nhiệm tiềm năng Macron trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027, dường như ám chỉ sự thất vọng trong liên minh trung dung và đặt câu hỏi về vai trò nổi bật của Macron trong chiến dịch tranh cử.
“Tôi không chắc việc tổng thống nước cộng hòa tiến hành một chiến dịch bầu cử lập pháp là hoàn toàn lành mạnh”, ông Philippe bình luận.