Cơ quan quản lý viễn thông của Pakistan đã cấm ứng dụng Bigo cũng như đưa ra thông báo cuối cùng cho một ứng dụng nổi tiếng khác là TikTok về "nội dung vô đạo đức, tục tĩu và thô tục" được đăng tải trên nền tảng này.
Đầu tuần này, Cơ quan Viễn thông Pakistan (PTA) cho biết đã đưa ra những lời cảnh báo đối với cả hai công ty nhưng đã nhận được phản hồi "không thỏa đáng".
"Do đó, PTA đã quyết định chặn Bigo và đưa ra cảnh báo cuối cùng cho TikTok nhằm đưa ra một cơ chế toàn diện để kiểm soát các nội dung thô tục và vô đạo đức thông qua ứng dụng của mình", theo tuyên bố của chính phủ Pakistan.
Năm 2016, quốc hội Pakistan đã thông qua Đạo luật tội phạm điện tử Pakistan (PECA) để điều chỉnh các nội dung trên internet, cho phép PTA ngăn chặn nội dung được coi là chống lại "vinh quang của đạo Hồi hoặc sự liêm chính, an ninh hoặc quốc phòng của Pakistan hoặc trật tự công cộng, đạo đức."
Cho tới nay, PTA đã chặn hơn 800.000 trang web và ứng dụng trên toàn quốc, chủ yếu là những website có nội dung khiêu dâm.
Vào năm 2012, PTA đã chặn YouTube do đăng tải một đoạn phim có nội dung báng bổ nhà tiên tri Muhammad. Lệnh cấm đó vẫn tồn tại trong 4 năm.
Đe dọa ''an ninh quốc gia''
Bigo, công ty có trụ sở tại Singapore, cung cấp dịch vụ phát trực tiếp và tạo nội dung video cho người dùng trên nền tảng của mình. Likee - ứng dụng của Bigo phổ biến tại Pakistan, có hơn 100 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu, theo dữ liệu của công ty.
Trước đó, quốc gia láng giềng Pakistan là Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm TikTok cùng với 58 ứng dụng khác có nguồn gốc Trung Quốc do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới "an ninh quốc gia và chủ quyền", cũng như cáo buộc TikTok gửi dữ liệu người dùng về Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chạy quảng cáo kêu gọi những người ủng hộ ký đơn thỉnh cầu lệnh cấm đối với TikTok.
Đầu năm nay, các nhà lập pháp Australia cũng kêu gọi TikTok minh bạch hơn trong cách công ty này dữ liệu người dùng.
Được phát triển bởi nhà phát triển Trung Quốc ByteDance, TikTok đã sở hữu hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok, với hơn 611 triệu lượt tải xuống, tiếp theo là Mỹ với 165 triệu lượt tải xuống, theo dữ liệu của Sensor Tower.
Trong một tuyên bố, TikTok cho biết họ coi việc "duy trì môi trường trong ứng dụng an toàn và tích cực là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi" và đã xóa hơn 3,7 triệu video khỏi Pakistan trong nửa cuối năm 2019 vì vi phạm các nguyên tắc nội dung.
"Chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người dùng, đồng thời tăng cường đối thoại với chính quyền để giải thích các chính sách của chúng tôi và thể hiện sự cống hiến của chúng tôi đối với bảo mật người dùng", công ty cho biết.
Romaisa Khan (20 tuổi) là một ngôi sao TikTok ở Pakistan, với 2,8 triệu người theo dõi và video thường xuyên có hơn 500.000 lượt xem.
Cô cho biết nền tảng này cần kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với người dùng là trẻ vị thành niên, nhưng chính phủ không nên ban lệnh cấm hoàn toàn.
Từ một hiện tượng trên mạng xã hội TikTok, Romaisa Khan đã trở thành ngôi sao mới trong ngành giải trí Pakistan. |
"Tôi không nghĩ lệnh cấm là một giải pháp, bởi vì có rất nhiều người đang kiếm sống nhờ TikTok hoặc kiếm việc thông qua nó, vì vậy đây cũng là một điều tốt," Romaisa Khan nói.
Sự nổi tiếng trên TikTok của Khan đã giúp cô có được các cơ hội lấn sân vào ngành công nghiệp giải trí. Năm nay, TikTok đã giúp cô có được vai diễn đầu tiên trong một vở kịch truyền hình lớn.
"Ngành công nghiệp giải trí tại Pakistan rất khó khăn và sẽ rất khó để chen chân vào đây nếu không có chỗ dựa vững chắc" cô nói. TikTok đã cho tôi một cơ hội đổi đời", Romaisa Khan chia sẻ.