PV: Thưa ông, Cụ Rùa Hồ Gươm đã ra đi hơn 2 năm rồi. Giờ ông có thể kể lại cho mọi người nghe về những ngày cuối cùng khi Cụ Rùa còn ở trên dương thế?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi đã gắn bó với Cụ Rùa Hồ Gươm 25 năm, tức là ¼ thế kỷ. Những chuyện và kỷ niệm về Cụ rùa thì có thể nói cả ngày không hết.
Nhưng đối với tôi, kỷ niệm lớn nhất và đầu tiên của tôi là được trông thấy Cụ. Đó là một ngày tình cờ vào khoảng tháng 3 năm 1991. Tôi đi qua phố Hàng Khay thì thấy Cụ bơi. Cuối năm ấy, tôi được một công ty khai thác du lịch Sở Văn hóa Thông tin mời nghiên cứu về Cụ Rùa. Kể từ ngày ấy, tôi đã gắn bó và theo dõi Cụ Rùa suốt 25 năm trời. Trong khoảng thời gian ¼ thế kỷ, phải nói là dấu ấn của tôi về Cụ là rất nhiều. Trên thực tế, việc làm, hoạt động và nghiên cứu của tôi về Cụ Rùa hồ Gươm cũng không ít.
Hầu như tất cả hãng thông tấn lớn trên thế giới quan tâm tới Cụ Rùa và đã phỏng vấn tôi. Riêng nước Mỹ thì có tới 8 hãng thông tấn lớn như CNN, AP, National Public Radio, The Wall Street Journal... Ngoài ra, còn có các hãng BBC, Reuters của Anh, Kyodo, Akahata, Funji của Nhật, AFP, RFI của Pháp, ... Đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể nhớ và kể tên rất nhiều.
Tôi viết về Cụ Rùa khoảng 200 tin và bài. Người ta viết về tôi và Cụ Rùa Hồ Gươm cả trong nước và quốc tế mà tôi sưu tầm được cũng gần 700 bài.
Quay trở lại khi Cụ hấp hối, tôi nhớ lần cuối cùng Cụ lên là vào gần cuối tháng 12/2015. Đến hôm Cụ mất, thì tôi đang ở nhà, lúc đó khoảng hơn 6 giờ tối. Trưởng ban quản lý Hồ Gươm đã gọi điện cho tôi để thông báo "tin dữ" ấy. Sau đó, hàng trăm cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế dồn dập hỏi đến tôi. Tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã nhận được thông tin, và đang ra hồ.
Cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên lần cuối cùng vào cuối tháng 12/2015 |
Khi tôi ra hồ Gươm thì gặp Chủ tịch TP HN Nguyễn Đức Chung. Anh Chung hỏi tôi: "Theo bác, bây giờ phải làm thế nào?". Tôi bảo, bây giờ phải thông báo là Cụ đã mất. Tôi cũng có trò chuyện với anh Phạm Quang Nghị và gợi ý rằng sau này chúng ta có thể làm một cái tiêu bản về Cụ Rùa và lưu trữ ở đền Ngọc Sơn.
Sau đó, 20h30 tối hôm ấy, TP tổ chức cuộc họp khẩn, ông Tô Văn Động (GĐ Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch) cho biết, ở Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam có cái nhà lạnh khoảng -15 độ C đến -20 độ C và có thể gửi Cụ vào đấy.
Lúc bấy giờ, tôi phát biểu rằng gửi ở đó là tốt nhưng phải có biên bản vì đây là di vật của HN. Nếu đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên thì có khi chưa chắc lấy ra được vì nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của bảo tàng này là có thể thu thập được tất cả các tiêu bản ở trong nước nên nếu không có chứng từ rõ ràng thì khó có thể đưa Cụ ra.
PV: Nếu chỉ có thể dùng một từ để nói về cảm xúc của ông khi hay tin Cụ Rùa Hồ Gươm qua đời, thì đó là gì?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi rất sửng sốt! Vì trước đó Cụ vẫn bình thường, và chưa có dấu hiệu nào khác thường.
Suốt tháng 12/2015, khi tham gia tiến hành kiểm tra sức khỏe, thì tôi vẫn chụp được ảnh Cụ. Và từ trước thời điểm mất, hầu như tháng nào Cụ cũng xuất hiện.
Lại nói đến việc khi phát hiện Cụ mất ở gần đường Lê Thái Tổ, tôi và mọi người ở đó quyết định đưa Cụ vào đền Ngọc Sơn, vì nếu vớt Cụ ngay lên bờ thì có lẽ người dân kéo đến rất đông và việc đưa Cụ đi có khi rất khó.
Tôi còn nhớ rõ, lúc đưa Cụ lên, chúng tôi đã lấy mấy tấm ván đặt ở dưới, sau đó lấy vải đỏ, vải vàng, và đặt Cụ vào, hướng đầu Cụ ra tháp Rùa, đặt bát hương ở phía trước và bốn góc xung quanh thì đặt 4 ngọn nến. Những bức ảnh đặc biệt ấy tôi đều có cả.
Vớt được Cụ Rùa lên bờ rồi nhưng việc vận chuyển Cụ như thế nào cũng cần phải có phương án hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng nên vận chuyển Cụ bằng xe tải hoặc xe cứu thương nhưng thực tế thì công tác này cần phải thực hiện hết sức cẩn thận vì chiều ngang của Cụ là 1,1m, nặng 169 kg.
Cuối cùng, phương án vận chuyển Cụ là chọn thuê xe tang. Khi xe tang đến, chúng tôi lấy rượu tẩy uế rồi đưa Cụ lên. Toàn bộ quá trình hay tin cho đến khi ra khỏi hồ, bàn bạc phương án trục vớt và vận chuyển Cụ, mọi việc hoàn thành. Khi tôi trở về nhà đã là 12h đêm.
PV: Trong 25 năm quan sát, chăm sóc, nghiên cứu, thậm chí là nhiều lần đi gõ cửa nhiều cơ quan, tổ chức, có lần nào ông rơi nước mắt vì Cụ Rùa chưa?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi có nhiều kỷ niệm, nhiều cái dường như rất lạ. Như là một lần vào khoảng năm 1996, tôi hay tin hình như Cụ bị thương, một vệt chém ngang trên cổ. Tôi và anh Dương Trung Quốc đã xem ảnh. Tôi thấy nhói ở tim.
Nhiều lần khác khi cụ bị bị thương vì lưỡi câu chùm dính trên mai. Tôi cũng có đề xuất với đội bảo vệ ở Hồ Gươm là nên cấm câu. Những bức ảnh Cụ bị thương tôi đều chụp lại.
Có người nói ở Hồ Gươm có 2-3 Cụ Rùa, nhưng từ khi tôi bắt đầu nghiên cứu cho tới lúc Cụ ra đi, tôi khẳng định là Hồ Gươm chỉ có duy-nhất-một-Cụ-Rùa!
Thậm chí, ngay cả khi Cụ yếu, mọi người cũng run khi quyết định đưa Cụ lên. Thấy 2 vệt nước sủi tăm, nhiều người bảo có 2 Cụ Rùa, sau khi vớt Cụ lên thì họ cho rằng còn một Cụ khác, có thể to hơn. Thế nhưng, có đâu mà bắt!
Những người làm việc, hoạt động cùng tôi liên quan tới Cụ Rùa đều rất nhiệt tình. Cá nhân tôi nhận thấy, Cụ Rùa và các hành động của Cụ khi còn sống thực sự rất khó lý giải.
PV: Hầu hết mọi người chỉ biết về Cụ Rùa thông qua những thông tin như bao giờ Cụ nổi, báo hiệu điều gì, nhiều lắm thì là những bức ảnh chụp ngẫu nhiên. Thế còn trong mắt PGS.TS Hà Đình Đức, Cụ Rùa có những "tính cách", "nết ăn nết ở" nào mà người ta chưa hề biết?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Từ ngày 4/3 đến ngày 12/7 năm 2011, là quãng thời gian cũng rất kỳ lạ. Chúng tôi đưa Cụ đi chữa bệnh trong đúng 100 ngày.
Trong quá trình chữa trị, tôi và các chuyên gia lấy làm lạ, không ngờ Cụ rất hiền lành. Lành đến mức khi làm một bể tròn để đưa Cụ vào thì sau đó chỉ cần lặng lẽ kéo Cụ lên bằng lưới và tra thuốc - Cụ "nghe" cả!
Chỉ trừ phi cầm cái gậy khua trước đầu, thì Cụ mới phản ứng.
Nhiều lần Cụ lên Tháp Rùa, tôi cũng sờ vào mai Cụ . Hễ tôi sờ vào được thì người khác cũng sờ vào Cụ được, thật kỳ lạ!
Về những báo hiệu khi Cụ nổi, quả thật nếu chỉ mình tôi nói thì khó mà thuyết phục. Tuy nhiên, cả nhiều người dân và công luận đều thấy mỗi lần Cụ nổi hình như đều có trùng hợp đến một số sự kiện đặc biệt của Hà Nội cũng như của đất nước.
Thậm chí, nhiều lần là báo chí đưa tin trước và sau đó thì tôi sắp xếp và gắn với những bức ảnh chụp được. Thật sự là rất khó lý giải.
PV: Nếu cần chọn ra 3 trong số hàng nghìn bức ảnh mà ông đã từng chụp Cụ Rùa, thì đó là những bức nào?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Trong số hàng nghìn bức ảnh chụp về Cụ Rùa kể từ những ngày đầu tiên được trông thấy Cụ cho đến khi Cụ qua đời, nếu cần chọn 3 bức ảnh cảm thấy ưng ý nhất thì đầu tiên là bức ảnh chụp chỏm đầu khi Cụ nổi lên mặt nước Hồ Gươm vào ngày 23/10/1997.
Bức thứ hai là bức Cụ Rùa bò lên tháp Rùa (8/12/2014). Còn bức thứ ba mà tôi ưng ý nhất là bức tôi xoa lên mai của Cụ (8/12/2014).
Thực ra thì mỗi bức đều có một kỷ niệm riêng cả và tôi đều nhớ rất rõ.
PV: Được biết tiêu bản Cụ Rùa Hồ Gươm đang được tiến hành. Ông có thể tiết lộ chi tiết về quá trình làm và kết quả tính đến thời điểm này?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi vừa ở đấy, và chụp một bức ảnh vào ngày 6/4 vừa qua.
Từ khi đưa Cụ về, họp (21/4/2016) và quyết định làm tiêu bản, lãnh đạo của Bảo tàng Thiên Nhiên và tôi cũng có thắp hương trước, sau đó tiến hành đưa Cụ ra để giải phẫu.
PGS.TS Hà Đình Đức trò chuyện với hai chuyên gia người Đức về Cụ Rùa |
Trong suốt quá trình ấy, thì cứ mấy tháng một lần, có hai chuyên gia người Đức lại đến Việt Nam để tham gia làm tiêu bản Cụ Rùa. Tôi cũng đều đến và theo dõi quá trình làm tiêu bản.
PGS.TS Hà Đình Đức, các chuyên gia trong và ngoài nước trong quá trình làm tiêu bản Cụ Rùa Hồ Gươm |
PGS.TS Hà Đình Đức, các chuyên gia trong và ngoài nước trong quá trình làm tiêu bản Cụ Rùa Hồ Gươm |
Phương pháp sử dụng để làm tiêu bản Cụ Rùa Hồ Gươm là nhựa hóa.
Hai vị chuyên gia người Đức cũng xin tôi nhiều bức ảnh để sau này phục vụ cho việc chế tác tư thế như là thật của Cụ.
Các chuyên gia Đức nói họ chưa từng làm tiêu bản rùa nước ngọt nào lớn như Cụ bao giờ. Cho nên quá trình làm tiêu bản họ lại càng cẩn trọng, rất tỉ mỉ.
Trước đây, phương pháp làm tiêu bản bình thường là mổ nội quan, xử lý hóa chất và sau đó nhồi bông, và một vài thứ khác. Nhưng phương pháp nhựa hóa hoàn toàn khác.
Cụ thể, sau khi mổ bụng, đưa hết nội quan ra, giữ lại bộ xương nguyên vẹn và được ngâm vào một loại hóa chất để bắt đầu nhựa hóa. Hóa chất ngấm vào các mô, tế bào và giữ nguyên hình dáng ban đầu.
Quá trình giải phẫu để chuẩn bị làm tiêu bản Cụ Rùa Hồ Gươm theo phương pháp nhựa hóa |
Tiếp theo, các chuyên gia bắt đầu cho một số loại hóa chất để hút ẩm và sau đó mới bắt đầu tới giai đoạn chế tác tư thế, làm khung. Các phần da được lắp lại vào khung tư thế (được cắt, hàn, buộc cẩn thận), vì vậy hầu hết mọi thứ trên cơ thể Cụ rùa gần như không khuyết phần nào.
Trong quá trình làm tiêu bản, tôi nhận thấy bộ phận đầu, mắt và ngay cả cái đốm trắng trên đầu là khó nhất. Dù mỗi bức ảnh tôi chụp có những cái khác riêng, nhưng về cơ bản tôi nhận thấy những bộ phận này làm giống như thật, đặc biệt là cái đốm trắng.
Sở Khoa học Công Nghệ và Bảo tàng Thiên Nhiên thống nhất tiêu bản Cụ Rùa sẽ được đưa vào đền Ngọc Sơn. Và cả tôi và Bảo tàng Thiên Nhiên đều cho rằng nên hoàn thiện tiêu bản trước, và đến khi hoàn thành mới đưa về đền Ngọc Sơn, còn bây giờ thì cứ để tạm ở bảo tàng.
Có ý tưởng mà tôi thấy cũng có thể chấp nhận được. Đó là đưa tiêu bản Cụ Rùa 1968 về Bảo tàng Hà Nội, còn Cụ Rùa mới thì đặt ở đền Ngọc Sơn. Tôi nghĩ Bảo tàng Hà Nội cũng thừa sức chấp nhận vì họ cũng mong muốn lâu rồi. Nhưng vấn đề là Ban quản lý di tích Hà Nội có chịu đưa Cụ rùa cũ về Bảo tàng Hà Nội và thành phố có đồng ý hay không thì chưa biết được.
Còn việc so sánh giữa tiêu bản Cụ Rùa Hồ Gươm và tiêu bản Cụ Rùa cũ trong đền Ngọc Sơn thì cá nhân tôi nhận thấy không thể so sánh được vì đây là 2 tiêu bản hoàn toàn khác nhau cả về phương pháp, công nghệ đến cách thức tiến hành. Việc so sánh là khập khiễng.
PV: Cụ Rùa cuối cùng đã ra đi, vậy theo ông, về sau này Hồ Gươm sẽ phải làm quen với việc vĩnh viễn không còn "Cụ Rùa", hay chúng ta cần tìm "người thừa kế"?
-PGS.TS Hà Đình Đức: Trước năm 2000, nếu đi khảo sát thì chúng ta có thể tìm được những cá thể sống xứng đáng là "người thừa kế" của Cụ Rùa. Một số cá thể có hình thái rất giống, ví dụ như lần phát hiện cá thể rùa lớn ở đầm Quỳnh Lâm (Hòa Bình). Nhưng sau năm 2000, tôi có đi khảo sát rất nhiều nơi như một số khu vực Thọ Xuân và Yên Định thuộc Thanh Hóa, Ao Châu (Phú Thọ), đầm Vân Hội, Móng Hội, Yên Bái thì có nhiều cá thể rùa lớn, chừng 70-80 kg, có con 140 kg. Nhưng khi tới chỉ còn xương, sọ!
Rùa Đồng Mô khác hoàn toàn, hay cả hai cá thể rùa mai mềm bên Trung Quốc báo chí từng có đợt nói, cũng hoàn toàn khác. Rùa Đồng Mô có hình thái khác Cụ Rùa Hồ Gươm. Nhiều người cứ bảo ADN nọ, ADN kia, nhưng tôi không tin.
Còn việc rộ lên tin đồn giống rùa Hồ Gươm có rất nhiều ở Ba Vì, cái đó tôi cũng không tin. Nhưng nếu có thì tôi sẵn sàng tới để kiểm chứng và khảo sát.
PV: Chắc người nước ngoài họ lấy làm "kỳ lạ" lắm về chuyện có một Cụ Rùa ở Hồ Gươm, và người Việt gọi là "Cụ" chứ không phải "Con" - tức là không coi như một loài vật bình thường?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Việc này là ở tùy từng nước, lạ thì cũng không phải điều gì lạ lùng gì cả, chỉ có là tùy thuộc vào người đó có hiểu về văn hóa hay không. Ở các nước cũng có thờ linh vật, con vật nọ, con vật kia mà.
Tôi còn nhớ, trong một lần có một phóng viên người Việt của kênh BBC phỏng vấn tôi về Cụ Rùa và gọi Cụ là "con rùa", thì tôi dập máy. Tôi bảo rằng cứ gọi Cụ là "con" thì tôi không trả lời.
PV: Người đời thường gọi ông là "nhà Rùa học", tức là luôn gắn ông với hình ảnh Cụ Rùa, mà ít tai biết về sự nghiệp khoa học của ông. Vậy trước khi gặp Cụ Rùa và ngoài nghiên cứu rùa, ông làm gì?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Thực ra thì tôi học ngành Sinh học, vào ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1959-1963, lớp gồm 99 người. Vào năm thứ 3 đại học, tôi có tham gia thực hiện chuyên đề về chim Hà Nội. Năm 1963, tôi đã đi nhiều nơi như Lai Châu, Phong Thổ, Sình Hồ, Mường Chà Tây Bắc; các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ; Tây Nguyên để nghiên cứu về động vật hoang dã.
Tiêu bản sắp hoàn thành, Cụ Rùa sắp "trở lại" Hồ Gươm ( Ảnh chụp ngày 6/4 do PGS.TS Hà Đình Đức cung cấp) |
Năm 1963, GS Võ Quý hướng dẫn tôi làm khoá luận về nghiên cứu chim Hà Nội. Năm 1965 GS Võ Quý đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô, tôi làm Luận văn nghiên cứu về thú rừng với GS Đào Văn Tiến.
Năm 1968 GS Đào Văn Tiên chọn tôi thí điểm nghiên cứu sinh trong nước, nói chung nghiên cứu sinh trong nước rất vất vả không thuận lợi như làm ở nước ngoài. Tôi bảo vệ thử năm 1981, năm 1983 tôi học tiếng Bồ Đào Nha, sang dạy học ở Angola 2 năm, và trở về làm luận án tiếp. Có đôi lúc tôi cũng nản vì nhiều tình huống, trường hợp phát sinh… Vì nhiều lý do nên luận án kéo dài kỷ lục mãi đến năm 1987 mới bảo vệ xong (19 năm)!.
Sau khi nghỉ hưu (năm 2005), tôi cũng được tặng một số danh hiệu như Bằng khen của Thủ tướng, Nhà giáo ưu tú, Kỷ lục Việt Nam, đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Công dân Thủ đô ưu tú, Trí thức tiêu biểu Thủ Đô... và có tên trong Địa chí Thanh Hoá Tập IV – Nhân vật chí.
Tôi nhớ mình đã từng ngăn cản rất nhiều dự án để bảo vệ danh thắng, di tích của Thủ đô, nên nhiều người không ưa cho rằng cản trở công việc của họ. Nhưng đến năm 2012 tôi được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú, như vậy là những đóng góp của tôi cho thành phố đã được khẳng định.
PV: Cả đời "đắm đuối" với "Rùa", chứ không phải với "Người", có bao giờ ông cảm thấy hoặc nghe thấy người khác nói kiểu như rằng mình hâm, dở hơi… chưa?
- PGS.TS Hà Đình Đức: Nhiều người nói như vậy chứ không phải ít! Nhưng mà tính tôi kiên định và không có ngại ngần những điều đó. Tôi đứng trên đôi chân của mình và nói bằng cái đầu của tôi.
Cá nhân tôi nhận thấy công luận vẫn là con dao hai lưỡi. Có người hỏi tôi thế này, xong lại phỏng vấn người khác nói ngược lại thế kia. Nhiều khi họ "đá xoáy"… Nhưng mà nếu cứ chấp vào những điều đó thì rất mệt.
PV: Nghe và gặp ông trò chuyện, tôi cảm nhận dường như có một điều gì đó rất đặc biệt giữa ông với Cụ Rùa. Nếu gọi tên mối quan hệ đó thì sẽ là gì thưa ông? Đơn thuần là mối quan hệ khoa học giữa nhà nghiên cứu - sinh vật được nghiên cứu? Hay bạn bè? Hay tri kỷ?...
- PGS.TS Hà Đình Đức: Rất khó lý giải. Tôi đã nói là dường như có sợi dây gắn kết vô hình kết nối tôi với Cụ.
Đúng vậy! Sợi dây vô hình!
Quá trình làm tiêu bản sắp hoàn thành, Cụ Rùa sắp "trở lại" với Hồ Gươm |
Theo Soha