Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, hoạt động nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài; khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài trong cộng đồng; đồng thời cũng là dịp để giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế.
Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản Văn hóa Việt Nam”. Từ đó đến nay, ngay cả trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, Tuần lễ Áo dài vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm vào tuần đầu của tháng Ba.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, sau rất nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, sự hưởng ứng tích cực của phụ nữ và nam giới ở trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài, không chỉ trong các dịp lễ lớn của dân tộc, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, gia đình, mà nay áo dài đã trở thành trang phục được phụ nữ và nam giới, từ người cao tuổi đến các bạn trẻ sử dụng ngày càng phổ biến, được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích.
Từ sáng kiến của Hội năm 2019, đến nay, nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước như: Các cuộc thi ảnh đẹp áo dài, thi tìm hiểu giá trị áo dài, các cuộc đồng diễn, diễu hành với quy mô lớn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam.
Đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa như: Tặng Áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài” trực tuyến miễn phí cho gần 8.500 học viên trên cả nước do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với Trung ương Hội tổ chức; cuộc vận động thiết kế áo dài “Tự hào Áo dài Việt”...
Các ngành, địa phương cũng có nhiều hoạt động nhằm khẳng định áo dài là di sản văn hóa của Việt Nam, điển hình như tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” tiến tới hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”, tiếp nối hành trình đưa các giá trị của áo dài trở thành di sản văn hóa Việt Nam, Chương trình nghệ thuật “Hương sắc Áo dài Việt” là tổng hòa các tiết mục ca múa nhạc tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, các màn trình diễn áo dài khắc họa đậm nét vẻ đẹp và tình yêu với áo dài.
Trong đêm trình diễn, các đại biểu được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập áo dài xuất sắc nhất của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và hơn 50 nhà thiết kế trong nước theo 3 chủ đề nổi bật: Tự hào áo dài Việt, Tâm hồn áo dài Việt và Tinh hoa áo dài Việt. Chương trình còn có sự góp mặt của các phu nhân Đại sứ quốc tế trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam.
“Bằng các hoạt động thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc, về đất nước, con người và áo dài Việt Nam đến đông đảo công chúng. Đồng thời, góp phần để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.
Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang đến gần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga gửi đến các bà, các mẹ, phụ nữ trên mọi miền đất nước và phụ nữ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!.