Đoạn phim mới nhất ghi lại hình ảnh của 3 con hổ Đông Dương từ tháng 2 và tháng 3 đã làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh của loài hổ tại khu vực Đông Nam Á, vốn gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên do nạn săn trộm và buôn bán trái phép.
John Goodrich, nhà khoa học và chuyên gia tổ chức bảo tồn Panthera, nói: "Trong một biển tin tức nghi ngờ về tương lai của các loài động vật hoang dã trên hành tinh của chúng ta, sự kiện này là một dấu hiệu đáng hoan nghênh về hy vọng và tiềm năng hồi sinh đối với loài hổ vốn đang bị đe dọa ở Thái Lan".
Những con hổ này được cho là đã di chuyển xuống phía nam, gần khu vực giáp ranh với Myanmar, đây là khu vực miền núi xa xôi bao phủ trong khu vực rừng nhiệt đới rậm rạp.
Sự tái xuất của hổ Đông Dương ngoài tự nhiên là tín hiệu đáng mứng cho công cuộc bảo tồn. |
"Chúng tôi tin rằng 3 con hổ đều là con đực và còn khá trẻ", Chris Hallam, điều phối viên khu vực Đông Nam Á của tổ chức Panthera, cho biết.
Ông Hallam nói rằng bằng chứng về những con hổ di chuyển tới các khu vực chưa từng thấy trước đây có ý nghĩa lớn bởi điều này cho thấy các khu vực này có đủ con mồi cho lũ hổ ở lại.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ chúng. Khu vực chúng đặt chân tới từng là nhà của loài hổ, do đó đây là một dấu hiệu đáng mừng", ông Hallam nhận định.
Pháo đài cuối cùng của loài hổ Đông Dương
Trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 3.900 con hổ sinh sống ngoài tự nhiên, phần lớn sinh sống tại Ấn Độ. Ở Thái Lan, chỉ có 160 con hổ được cho là vẫn còn ở ngoài hoang dã.
Nạn săn trộm để lấy da và xương là nguyên nhân chính khiến số lượng hổ suy giảm nghiêm trọng, ngoài ra nạn phá rừng khiến môi trường sống của loài mèo lớn này bị thu hẹp.
Từng có thời thống trị khắp các cánh rừng châu Á, loài hổ gần như tuyệt chủng ở Trung Quốc, Campuchia, Lào, Việt Nam và phần lớn Myanmar. Đã có 3 quần thể đã tuyệt chủng bao gồm hổ Caspian, Javan và Bali.
Năm 2010, tất cả 13 quốc gia có quần thể hổ cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022. Trong giai đoạn 2014-2018, số lượng hổ tại Ấn Độ đã tăng thêm 30%, lên tới gần 3.000 cá thể.
Một báo cáo năm 2019 cho thấy rằng không còn hổ ở Lào và một số chuyên gia cảnh báo quần thể hổ trên Bán đảo Mã Lai có thể bị tuyệt chủng trong 2 đến 3 năm tới.
Những hình ảnh mới được ghi nhận ở Thái Lan mang tới ý nghĩa cực kỳ lớn cho hy vọng hồi sinh loài mèo lớn nhất thế giới này.
"Môi trường sống tại Thái Lan thực sự cần thiết cho quần thể hổ Đông Dương, đây là pháo đài cuối cùng của hy vọng phục hồi loài vật này", ông Hallam nói.
Nhận thức được nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ, chính phủ Thái Lan đã đề ra kế hoạch tăng số lượng hổ lên 50% vào năm 2022, với đã đạt được một số thành công.
Vào năm 2016, tại Khu di sản thế giới Dong-Phayayen Khao Yai ở phía đông nam Thái Lan đã phát hiện được hình ảnh của một số hổ con. Trong khi đó, Khu bảo tồn động vật hoang dã Thungyai-Huai Kha Khaeng ở phía tây Thái Lan là nơi hổ sinh sản nhiều nhất thế giới.