Vào năm 2016, 147 con hổ đã được đưa ra khỏi Chùa Wat Pha Luang Ta Bua (Chùa Hổ) - địa điểm du lịch gây tranh cãi của Thái Lan ở tỉnh Kanchanaburi, phía tây thủ đô Bangkok.
Nhưng vào hôm thứ Hai, Cục Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật (DNP) của Thái Lan đã thông báo rằng 86 trong số 147 con hổ được giải cứu từ Chùa hổ đã chết. Hổ được phân loại là có nguy cơ tuyệt chủng bởi Quỹ Động vật hoang dã Thế giới.
Chùa Hổ từng là nơi thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan và chơi với hổ. |
Theo thông cáo báo chí của DNP, 86 con hổ đã chết vì hai lý do: Bệnh hô hấp và Canine Distemper Virus, một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, thường được tìm thấy ở chó nhưng cũng có khả năng lây sang các loài mèo lớn.
Thứ trưởng Prakit Wongsriwattanakul nói trong một tuyên bố rằng hầu hết những con hổ được giải cứu đều được lai tạo.
Khi được giải cứu vào tháng 6 năm 2016, đàn hổ trông "khá khỏe mạnh", Thứ trưởng DNP Adisorn Noochdumrong cho biết vào thời điểm đó. Những con hổ được đưa đến một ngôi nhà mới tại tỉnh Ratchaburi, nằm cách Chùa Hổ khoảng 90 km về phía nam của tỉnh Kanchanaburi,.
Thảm họa cận kề
Theo ông Edwin Wiek, giám đốc và người sáng lập Wildlife Friends Foundation (WFF), việc giải cứu hổ là một "thảm họa cận kề" khi các nhà chức trách không lên kế hoạch giải cứu chi tiết và không tham vấn ý kiến các chuyên gia.
Ông Wiek nói rằng vào 3 năm trước WFF đã đề nghị các nhà chức trách nên tách những con hổ con ra khỏi mẹ chúng và triệt sản toàn bộ cả đàn. Thay vào đó, những con hổ được nhốt trong những chiếc lồng nhỏ, nơi bệnh có thể dễ dàng lây lan.
"Các nhà chức trách nên yêu cầu sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng thay vào đó khăng khăng đòi tự mình làm tất cả mọi việc", ông Wiek nói. "Hy vọng bài học sẽ được rút ra từ trường hợp này, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem".
Lý do giải cứu hổ
Vào tháng 6 năm 2016, các nhà chức trách đã phát hiện ra hài cốt của 40 con hổ sơ sinh trong tủ đông lạnh tại chùa. Một chiếc sừng bò, gạc hươu và xác của một con cầy mực cũng được phát hiện.
Văn phòng bảo tồn động vật hoang dã (WCO) bắt đầu điều tra ngôi chùa rằng liệu đây có phải là một cơ sở buôn bán hổ hay không. Trước đó vào năm 2001, WCO đã cho phép ngôi chùa Wat Pha Luang Ta Bua được chăm sóc những con hổ miễn là chúng không bị sử dụng với mục đích thương mại và gây giống.
Các nhà chức trách Thái Lan cho rằng chùa Wat Pha Luang Ta Bua lợi dụng danh nghĩa cưu mang hổ nhưng thực chất là nơi buôn lậu động vật hoang dã. |
Địa điểm này dần trở thành điểm thu hút khách du lịch tới tham quan, dần dần các nhà chức trách nhận được không ít các báo cáo về việc hổ tấn công du khách.
Sau khi tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều hài cốt động vật trong chùa, các nhà chức trách đã đi đến quyết định giải cứu toàn bộ đàn hổ tại đây.
Năm người đàn ông, bao gồm ba nhà sư, bị buộc tội tàng trữ hài cốt động vật đang bị đe dọa mà không được phép.