Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện ra bằng chứng DNA của con người cổ đại trong hang động Baishiya Karst ở huyện Xiahe. DNA được lấy từ các lớp trầm tích được tìm thấy trong hang động.
Năm ngoái, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hàm người hóa thạch ở đó. Thời điểm đó, họ không thể trích xuất DNA nhưng sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã đưa ra kết luận rằng chiếc hàm thuộc về Denisova hominin, thường được gọi là Denisova, một loài người cổ đại đã tuyệt chủng. Đối với các nhà khoa học, phát hiện DNA mới này ủng hộ lý thuyết của họ về người Denisovan.
“Việc lấp đầy khoảng trống về học thuật sẽ giúp chúng tôi rất nhiều tìm ra sự tiến hóa của loài người ở Đông Á và nguồn gốc của loài người hiện đại”, giáo sư Zhang Dongju từ Đại học Lan Châu ở tỉnh Cam Túc và là nhà khoa học hàng đầu trong chương trình nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học ca ngợi khám phá mới nhất, coi đây là phát hiện khảo cổ học lớn nhất Trung Quốc và lưu ý rằng nó có ý nghĩa toàn cầu.
"Môi trường tự nhiên đầy thách thức trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng từng khiến chúng tôi nghĩ rằng các khu định cư của con người xuất hiện ở đó tương đối muộn hơn, di cư từ những nơi khác có điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, đó không phải là thực tế", Wang Youping, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Zhang và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu thực địa tại hang động Karst Baishiya vào năm 2018 và một năm sau đó bắt đầu khai quật.
Các nhà khoa học đã khai quật được 10.000 mẫu vật như công cụ bằng đá và xương của động vật bị chặt và đốt. Theo họ đó là dấu hiệu hoạt động của con người.
Theo Tiến sĩ Zhang, khám phá mới nhất chỉ tiết lộ "phần nổi của tảng băng chìm" về cuộc sống của người Denisovan.
Nghiên cứu sâu hơn được cho có thể làm sáng tỏ hơn về tổ tiên của loài người hiện đại ở Trung Quốc, Đông và Đông Nam Á. Các nhà khoa học còn cho biết nhiều hóa thạch của các loài người cổ đại khác có thể được phát hiện trong các cuộc khai quật trong tương lai.