Theo nguồn tin từ Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng), hiện tại, công an đang xác minh, điều tra làm rõ nguồn gốc một chiếc kim tiêm dài 2cm được bộ phận cấp dưỡng trường Khiếm thính Lâm Đồng phát hiện trong lúc chế biến thức ăn cho học sinh ngày 12/4.
Thông tin trên báo Người Lao Động, vụ việc chiếc kim tiêm cắm trên miếng thịt lợn khiến nhà trường lo lắng và dư luận xôn xao. Ngay khi phát hiện sự việc bất thường, Ban giám hiệu nhà trường đã lập biên bản, mời nhân viên Trạm y tế phường 4, TP Đà Lạt tới niêm phong mẫu thịt này.
Thịt lợn có cắm kim tiêm tại trường học. Ảnh: NLĐ.
Trong tường trình của Ban giám hiệu nhà trường, các loại thực phẩm của trường gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gà và các loại rau xanh đều lấy từ bà Trần T.T. ở khu mới tại chợ Đà Lạt. Trường đã ký hợp đồng dài hạn với bà T. từ năm 2015 đến nay.
Hằng ngày, các loại thực phẩm cung cấp từ bà T đều được bộ phận y tế và cấp dưỡng của trường kiểm tra kỹ bằng mắt thường rồi mới tiến hành chế biến, phục vụ bữa ăn cho hơn 100 học sinh và giáo viên.
Đại diện trường cho hay, đây là lần đầu tiên nhà trường phát hiện trường hợp như vậy về vấn đề thực phẩm.
Gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến nhiều người dân hoang mang khi báo đài liên tục đưa tin về chất cấm gây ung thư, chất tạo nạc tràn lan, rồi mỡ bẩn được chuyển vào thành phố, dấm làm từ axit pha nước, cơ sở nhổ lông vịt bằng hóa chất… Nỗi lo thực phẩm bẩn mà điển hình là thịt lợn bẩn hay có chứa chất cấm đang bị phanh phui ngày càng nhiều.
Trong khi đó, thịt lợn là thực phẩm được người Việt tiêu thụ nhiều nhất trong các loại thịt còn lại. Người dân chỉ biết “nhắm mắt” mà ăn rồi tự an ủi mình “ăn bẩn, sống lâu”. Không biết có “sống lâu” được hay không, giờ người dân chỉ còn biết chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết tình trạng “lợn bẩn”, “lợn sạch” mà thôi.
Theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm. |
Bình Nguyên