Phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý và khai thác khoáng sản tại tỉnh Gia Lai

(Ngày Nay) - Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 263/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Kết luận đã chỉ rõ một loạt sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản giai đoạn 2016 – 2020 tại tỉnh này.
Khai thác cát trái phép trên lòng hồ thủy điện Ia Ly.
Khai thác cát trái phép trên lòng hồ thủy điện Ia Ly.

Cụ thể, UBND tỉnh đã có sai phạm trong tổ chức đấu giá quyền khai thác cho 74 khu vực mỏ khoáng sản, bao gồm 16 mỏ đá xây dựng, 39 mỏ cát, 8 mỏ đất san lấp, 9 mỏ đất sét, 2 mỏ than bùn và cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất, đá, cát và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Ngoài ra, toàn tỉnh vẫn còn 206 mỏ có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép.

Đặc biệt, giai đoạn 2010 - 2016, tỉnh Gia Lai phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản cho 53 mỏ mà không lấy ý kiến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành. Tính đến tháng 6/2021, có 7 đơn vị còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lên tới hơn 15 tỷ đồng, nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp đôn đốc, thu nộp về ngân sách nhà nước.

Qua kiểm tra thực tế 8 Dự án thăm dò, khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính Phủ xác định UBND tỉnh Gia Lai đã tự ý chia mỏ lớn thành hai mỏ nhỏ để cấp cho hai đơn vị là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trang Đức và Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức. Việc cấp chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ cho hai đơn vị này không thể hiện mục đích sử dụng và không thông qua đấu giá, vi phạm Luật Khoáng sản năm 2010, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Ngoài ra, Gia Lai thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý còn thiếu sót, dẫn đến một số đơn vị khai thác khoáng sản bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định; không lắp trạm cân và không lập sổ sách và biểu thống kê để theo dõi xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; cho thuê đất nhưng không yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án…

Một số mỏ cát sau khi được cấp phép đã không thực hiện đúng mục đích theo chủ trương, gây lãng phí và thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản. Điển hình là Dự án mỏ cát tai xã Ayun, huyện Chư Sê, sau khi được cấp phép đã không bán cát phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua thành phố Pleiku như chủ trương được cấp, mà bán cho các công trình xây dựng khác, thu lợi với số tiền lên tới hơn 611 triệu đồng (diễn ra từ năm 2018 đến 2020).

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra tại một số địa phương, đáng chú ý tại khu đất có khoảng 3,3 ha đất sét thuộc thôn Quyết Thắng (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) nằm gần mỏ đất sét của Công ty CP Phú Bổn có hiện tượng khai thác trái phép. Qua kiểm tra xác định, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hoàng Khánh khai thác trái phép hơn 9.000 m2; 2,4 ha còn lại đã bị khai thác phục vụ thi công công trình xây dựng từ nhiều năm trước.

Trước những sai phạm nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2016 - 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng được yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý đối với các tồn tại, vi phạm đã được nêu. Ngoài ra, cần hủy bỏ, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản 2 mỏ cát (xã Ayun, huyện Chư Sê) và 1 mỏ đá (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) đã cấp cho hai đơn vị là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trang Đức, Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức và đưa 3 mỏ khoáng sản này vào danh mục khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; kiểm tra, làm rõ việc khai thác khoáng sản trái phép của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hoàng Khánh tại khu vực thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa.

Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, có biện pháp thu nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ ở 7 đơn vị với số tiền trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, cần thu hồi số tiền hơn 611 triệu đồng từ mỏ cát tai xã Ayun, huyện Chư Sê về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ; báo cáo kết quả xử lý về Thanh tra Chính phủ và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo làm rõ, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đã có khuyết điểm trong việc ra văn bản hướng dẫn cấp phép 3 mỏ khai thác khoáng sản tại tỉnh Gia Lai không đúng quy định. Những sai phạm trên không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn gây lãng phí lớn nguồn lực. Cần có những biện pháp quyết liệt để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước về khoáng sản, nhằm bảo vệ tốt nguồn tài nguyên vốn có của địa phương./.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).