Cho đến nay, siêu lỗ đen Sagittarius A* (Sgr. A*) có khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt Trời vẫn được coi là hố đen lớn nhất trong thiên hà. Bằng kính viễn vọng Nobeyama dài 45 mét thuộc quản lý của Đài Thiên văn quốc gia Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một “đối tượng” mới chỉ cách siêu hố đen Sgr. A* khoảng 200 năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học Nhật Bản đã phát hiện ra hố đen lớn thứ 2 trong dải Ngân Hà.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã theo dõi sự phát thải từ một đám mây khí xoáy được gọi là CO-0.40-0.22 và phát hiện các vật chất xung quanh nó bị hút ở phạm vi rộng, theo nhiều hướng khác nhau và vận tốc khác nhau.
Sau khi sử dụng mô hình máy tính để phân tích, các nhà khoa học có thể xác định được rằng ở giữa đám mây có một hố đen có kích thước ở tầm trung bình. Hố đen mới phát hiện này có kích thước gấp 100.000 lần Mặt Trời và là hố đen lớn thứ 2 trong dải Ngân Hà, chỉ sau siêu hố đen Sgr. A*.
Phát hiện về hố đen khổng lồ này được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Keio, Nhật Bản, do nhà thiên văn học Tomoharu Oka phụ trách. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal.
Hố đen tầm trung thực sự là một dạng hố đen đầy bí ẩn. Các nhà khoa học cho biết có 2 loại hố đen trong vũ trụ: “hố đen sao” – loại hố đen được hình thành khi một ngôi sao lớn phát nổ, nhiên liệu hạt nhân của nó tỏa ra ngoài và thường được gọi là siêu tân binh; loại hố đen thứ 2 là “hố đen siêu lớn” thường được phát hiện tại trung tâm của các thiên hà, bao gồm cả dải Ngân Hà.
Các hố đen khi mới xuất hiện thường tương đối nhỏ, sau đó chúng lớn dần lên do hút vật chất ở xung quanh vào, và do sáp nhập với các hố đen khác. Trong quá trình đó, các hố đen đều phải trải qua giai đoạn có kích cỡ "trung bình" nhưng các nhà thiên văn học mới chỉ quan sát thấy các “hố đen sao” nhỏ và các “hố đen siêu lớn”, chưa thấy hố đen nào tầm trung. Vì lý do đó, việc hố đen tầm trung có tồn tại hay không đã trở thành một câu đố.
Một số lý thuyết về sự tiến hóa ước tính dải Ngân Hà có thể chứa 100 triệu hố đen, mặc dù các cuộc nghiên cứu bằng tia X mới chỉ tìm được một phần nhỏ trong số này.
Nếu đúng là các hố đen phát triển và tiến hóa bằng cách kết hợp với các hố đen khác thì hố đen tầm trung mới phát hiện có khoảng cách 200 năm ánh sáng từ hố đen Sgr. A* cuối cùng sẽ trở thành hố đen siêu lớn bằng cách sáp nhập với các hố đen ở vùng không gian lân cận.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo News Discovery)